Huế chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp
VOV.VN - Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố Huế có 40 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 phường, 19 xã. Riêng phường Dương Nỗ là đơn vị duy nhất không thay đổi.
Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển căn bản trong vai trò và năng lực quản trị của chính quyền cơ sở. Phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Huế, về công tác chuẩn bị và triển khai mô hình này.
PV: Thưa ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Huế, cùng với cả nước việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp ở thành phố Huế hiện nay thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Văn Phương: Hiện nay, thành phố Huế đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp. Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Huế sẽ tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính, còn lại 40 xã, bao gồm 21 phường và 19 xã. Đây là một sự thay đổi lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng. Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp tổ chức hành chính lần này là xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Để đạt được điều đó, cần đảm bảo sự thông suốt trong quản lý nhà nước; đặc biệt, không để việc chuyển giao bộ máy làm gián đoạn thực hiện dịch vụ công hay ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Thành phố Huế đã nghiên cứu, làm rõ các nội dung trọng tâm, cốt lõi gồm: Chức năng, nhiệm vụ và phân quyền cho cấp xã; Hạ tầng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu, lưu trữ hồ sơ; Quy trình khắc dấu mới, thu hồi con dấu cũ; Bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển giao…
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đến các lĩnh vực thiết yếu có tác động trực tiếp đến người dân như: quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, ưu tiên xử lý hồ sơ tồn đọng về đất đai...

Tâm thế của các phường, xã sau sắp xếp phải chủ động, tự chủ, với vai trò là đầu mối hành chính duy nhất tại cơ sở. Kỳ vọng đặt ra là giảm tầng nấc, tăng hiệu quả quản trị, quản lý rõ ràng, trực tiếp, tiến tới mô hình chính quyền số và đô thị thông minh.

PV: Thưa ông, hiện nay, các xã, phường đang triển khai vận hành thử mô hình chính quyền 2 cấp. Ngoài những thuận lợi thì các xã, phường ở thành phố Huế có gặp khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ?
Ông Nguyễn Văn Phương: Hiện nay, thành phố Huế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền cấp xã mới đến 30/6/2025 cho 100% xã, phường mới. Nhìn chung, hoạt động vận hành thử nghiệm đạt được những kết quả tích cực. Thuận lợi cán bộ, công chức, viên chức thao tác tương đối tốt các bước trên hệ thống phần mềm.
Quy trình xử lý văn bản đến, ban hành văn bản đi trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, công tác hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến cũng như xử lý hồ sơ nghiệp vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cơ bản thông suốt, đáp ứng được yêu cầu.
Các xã, phường đã chủ động xây dựng các kịch bản xử lý tình huống, phân công trách nhiệm rõ ràng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Các lĩnh vực thử nghiệm bao gồm tổ chức bộ máy, biên chế, công tác cán bộ, xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ, xử lý nghiệp vụ thường xuyên, hoạt động của HĐND (kỳ họp thứ nhất) và hoạt động của UBND (phiên họp đầu tiên), Trung tâm phục vụ hành chính công, nghiệp vụ thường xuyên.
Về những khó khăn hiện nay là các xã, phường phần lớn sử dụng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã, phường cũ làm Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã, phường mới, dẫn đến diện tích còn hạn chế; việc phục vụ các khu vực chức năng một số nơi chưa đảm bảo quy định, chưa đáp ứng tốt ngay nhu cầu phục vụ người dân đến giao dịch. Cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị cần được nâng cấp, sửa chữa, thay thế để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chỉnh lý bản đồ địa chính, có thể gặp vướng mắc nếu không có hướng dẫn cụ thể. Đây là những bất cập bước đầu chắc chắn sẽ có những điều chỉnh cho hợp lý.

PV: Thưa ông, để đảm bảo vận hành thông suốt chính quyền 2 cấp, thành phố Huế có những giải pháp gì riêng có của địa phương?
Ông Nguyễn Văn Phương: Chúng tôi sẽ phải triển khai đồng bộ, toàn diện và quyết liệt, với những giải pháp trứớc mắt đó là đẩy mạnh rà soát hệ thống pháp luật, thường xuyên cập nhật, tháo gỡ và giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh. Việc chuyển đổi mô hình không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức mà còn là thay đổi cách phục vụ. Chính quyền phải gần dân, lắng nghe và hiểu được tâm tư của người dân. Đặc biệt, không để xảy ra gián đoạn trong phục vụ người dân đối với thực hiện thủ tục hành chính.
Chúng tôi xem đây là cuộc bàn giao chính quyền có tổ chức trong chuyển tiếp bộ máy cũ và mới, phải đảm bảo liên tục phục vụ người dân, rõ ràng và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đối với thủ tục đất đai, đề nghị để người dân duy trì giấy tờ cũ trong thời gian chuyển tiếp, ưu tiên xử lý hồ sơ tồn đọng.
Về trụ sở, thành phố đã tiến hành ưu tiên chọn vị trí trung tâm, giao thông thuận lợi, dễ tiếp cận. Đặc biệt, phát triển mô hình trụ sở vệ tinh hoặc dịch vụ hành chính lưu động, đẩy mạnh thủ tục hành chính số và dịch vụ công trực tuyến để giảm nhu cầu đến trực tiếp tại các trụ sở chính.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo hạ tầng tại cấp xã đồng bộ với hệ thống điều hành chung của thành phố, đặc biệt tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ và đồng hành cũng sẽ được duy trì và tăng cường để người dân cùng với các cấp chính quyền đồng hành và thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống trong giai đoạn này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!