Kết quả Phiên họp 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực

VOV.VN -Ngày 7/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Tại Phiên họp, qua thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất một số nội dung sau: 

1. Về đánh giá kết quả từ đầu năm 2025 đến nay

Ban Chỉ đạo và đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 06 tháng đầu năm 2025, mặc dù phải triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) không “chững lại”, “chùng xuống”, mà ngược lại, tiếp tục được triển khai quyết liệt, bài bản, với nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả rõ rệt; góp phần tăng cường, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước vừa qua. Nổi bật là:

Một là, tập trung cao độ thực hiện đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật với nhiều chủ trương, quan điểm mới, vừa phục vụ các nhiệm vụ chiến lược, vừa khắc phục những sơ hở, bất cập, chuyển mạnh trọng tâm sang phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đồng chí Tổng Bí thư biểu dương, đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương đã đầu tư nhiều công sức, trong thời gian ngắn hoàn thành sửa đổi, bổ sung, ban hành một khối lượng lớn các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp, phục vụ công tác tổ chức đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, đồng thời tạo “cú hích” mới cho công tác PCTNLPTC.

Đến nay, các nhiệm vụ về thể chế cơ bản đảm bảo tiến độ theo Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo đã đề ra (từ đầu năm đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTNLPTC; Quốc hội đã ban hành mới 38 luật, 45 nghị quyết; Chính phủ ban hành trên 300 nghị quyết, nghị định, chỉ thị… để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng). Nhiều chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước được ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả công tác PCTNLPTC.

Hai là, cùng với hoàn thiện thể chế về phòng, chống lãng phí, đã khẩn trương rà soát, xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ thất thoát, lãng phí để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm một số sai phạm có liên quan để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa có hiệu quả.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ thất thoát, lãng phí (theo báo cáo của Chính phủ, đến nay đã xác định có hơn 2.800 công trình, dự án chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, với nguồn lực tồn đọng rất lớn, khoảng trên 347 nghìn ha đất, giá trị đầu tư hơn 5,8 triệu tỷ đồng). 

Qua rà soát, bước đầu đã giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 867 công trình, dự án trong số này để đưa vào khai thác, tiếp tục đầu tư, khởi động đầu tư, với tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 372 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số công trình, dự án trọng điểm,quy mô lớn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo (đã ban hành các Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện năng lượng tái tạo; 2 dự án Bệnh viện của ngành Y tế, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trước 30/11/2025; về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương, đến nay riêng Đà Nẵng đã giải quyết xong 566/1.313 dự án...).

Nhất là, Thanh tra Chính phủ đã quyết liệt thực hiện nghiêm kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo, trong một thời gian ngắn (chưa đầy 03 tháng) đã hoàn thành thanh tra 02 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, làm rõ được mức độ lãng phí và các sai phạm, tạo cơ sở để tiếp tục triển khai, sớm đưa 02 dự án vào khai thác, vận hành, được dư luận xã hội đánh giá cao. 

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước (như vụ án liên quan đến Dự án tòa nhà của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, vụ án liên quan đến 02 dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức,…). Qua đó khẳng định chủ trương đẩy mạnh phòng, chống lãng phí là đúng đắn, kịp thời, là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên phải làm ngay.

Ba là, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của các cơ quan trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chủ động nhận diện, đánh đúng, đánh trúng nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp xảy ra trên các lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, sức khỏe của Nhân dân, dư luận rất bức xúc.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc Ban Chỉ đạo giao.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định. Nhất là, Thanh tra Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 3 tháng đã hoàn thành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo. 

Các cơ quan chức năng đã phối hợp phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận (06 tháng đầu năm đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ). Đặc biệt là, đã chủ động nhận diện, phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh với quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước (như vụ sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả của Công ty MediPhar và Công ty MEDIUSA, ngoài khởi tố các đối tượng trong doanh nghiệp, đã khởi tố một số cán bộ, công chức Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về hành vi nhận hối lộ; vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội; vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả ở Thanh Hóa;…).

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm đã kết luận điều tra 07 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án/87 bị can; xét xử sơ thẩm 07 vụ án/94 bị cáo; xét xử phúc thẩm 09 vụ án/221 bị cáo.

Nhất là, đã mở rộng điều tra, khởi tố mới 02 vụ án; khởi tố thêm 40 bị can từ 08 vụ án; hoàn thành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An; ban hành cáo trạng, đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn; hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, đảm bảo vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, có lý, có tình, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi sai phạm, vừa thu hồi tối đa tài sản, có vụ khắc phục triệt để hậu quả thiệt hại (điển hình là vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC, các bị cáo đã tự nguyện nộp lại toàn bộ tiền, tài sản chiếm đoạt, hưởng lợi bất chính, khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, còn thừa 22 tỷ đồng. Trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, nhiều bị cáo đã nộp lại toàn bộ hoặc vượt số tiền hưởng lợi bất chính, thậm chí một số cá nhân không phải là bị cáo cũng tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả).

Bốn là, triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. 

Qua sắp xếp, cả hệ thống chính trị đã tinh gọn tổng số trên 31.400 đầu mối các cấp, như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn lực rất lớn. Giai đoạn 2026 - 2030, chỉ tính riêng chi cho lương và định mức chi phí hành chính, dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 190.500 tỷ đồng, bình quân giảm khoảng hơn 38.000 tỷ đồng/năm, chưa kể chi phí liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, các hoạt động có tính chất trung gian và các chi phí khác.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thành tổng kiểm kê các công trình, trụ sở, tài sản công để bố trí, sử dụng, xử lý phù hợp, hiệu quả, tránh để thất thoát, lãng phí; sắp xếp, số hóa hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ án, vụ việc và công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để quản lý, phục vụ tiếp tục xử lý, không để thất lạc, “chìm xuồng”.  

Một điểm mới nổi bật nữa đó là, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cả trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước các cấp, nhất là tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống dữ liệu số, triển khai quản lý, quản trị, điều hành và phục vụ trên môi trường số. Qua đó tiết kiệm rất lớn thời gian, nhân lực, hạn chế tham nhũng, tiêu cực và phục vụ hữu hiệu cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Vừa qua đã ứng dụng công nghệ, triển khai lấy ý kiến toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên nền tảng VNeID, rất thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm; ứng dụng công nghệ ngay trong quá trình xử lý vụ án Vạn Thịnh Phát thông qua việc gửi thông báo thi hành án trên VNeID). Nếu thực hiện theo cách truyền thống thì không bao giờ có thể làm được những việc này.

Năm là, niềm tin, sự đồng lòng, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được củng cố và ngày càng tăng cao.

Cùng với việc quan tâm, vui mừng, kỳ vọng vào các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân cũng đặc biệt quan tâm đến công tác PCTNLPTC. Nếu như thời điểm trước Hội nghị Trung ương 10, dư luận, Nhân dân băn khoăn, lo lắng liệu công cuộc PCTNTC có tiếp tục được duy trì hay không, thì nay tuyệt đại đa số Nhân dân tin tưởng cuộc đấu tranh này tiếp tục được triển khai quyết liệt (đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định, đây là nhiệm vụ đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội, không ai có thể làm khác, mà phải làm tốt hơn, hiệu quả hơn).

Đến nay cũng khắc phục được tâm lý lo lắng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân rằng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; chúng ta còn đặt ra yêu cầu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao hơn, tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.

2. Về nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2025 và thời gian tới

Từ ngày 01/7/2025, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động của bộ máy mới đặt ra rất nhiều nhiệm vụ tiếp tục phải giải quyết, trong đó công tác PCTNLPTC cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới, những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách phải làm ngay. Do đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phải tập trung triển khai thực hiện 04yêu cầu và 06 nhiệm vụ cụ thể sau đây:

2.1. Về 4 yêu cầu chung:

(i) Công tác PCTNLPTC phải phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, kiên quyết không để những trường hợp suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lọt vào cấp ủy khóa mới;

(ii) Công tác PCTNLPTC phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp – làm quyết liệt ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu vận hành - góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

(iii) Chuyển trọng tâm sang phòng ngừa, chủ động nhận diện, dự báo, cảnh báo vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kiên quyết không để tái diễn các sai phạm cũ; có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

(iv) Phát huy vai trò và tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và sự giám sát của Nhân dân để phòng ngừa tham nhũng ngay từ cơ sở. Đặc biệt phát huy tính tự giác, tự nguyện, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong PCTNLPTC; mỗi người đều phải khép mình vào tổ chức, tuân thủ quy định, vượt qua những cám dỗ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấy rõ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng, khẩn trương, cấp bách; bất kỳ ai có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cản trở đổi mới, cản trở sự phát triển của đất nước trong lúc này, không chỉ có tội mà còn có lỗi rất lớn với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.  

2.2. Về 6 nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm 2025

Một là, tập trung hoàn thiện thể chế, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để khó khăn, ách tắc trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, không để lợi dụng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Nhất là, hoàn thành sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa các các quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý sai phạm trong các vụ án, vụ việc nói chung và các sai phạm liên quan đến kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; các sai phạm về đất đai xảy ra trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Hai là, khẩn trương hoàn thành rà soát đầy đủ, làm rõ nguyên nhân và có phương án xử lý dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trong năm 2025, không để lãng phí kéo dài, không hợp pháp hóa các sai phạm. Đối với các dự án có dấu hiệu sai phạm thì phải thanh tra, kiểm tra, kết luận rõ trước khi cho tiếp tục triển khai.

Trước hết, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2025 đối với 11 dự án sau: (1) Các dự án điện năng lượng tái tạo; (2) Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; (3) Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam; (4) Dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; (5) Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao; (6) Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại), thuộc dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; (7) Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ; (8) Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa; (9) Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; (10) Dự án xây dựng khu nhà ở sinh viên tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hà Nội; (11) Dự án Tòa nhà trụ sở chính Ngân hàng Công Thương - Vietinbank Tower.

Ba là, tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, phấn đấu không để kéo dài những vụ, việc cũ sang nhiệm kỳ mới, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, liên quan đến Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (cơ sở 2), dự án sân bay Nha Trang. Rà soát, lập danh mục các nội dung kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đến nay chưa hoàn thành, chưa được thực hiện, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp thực hiện và xác định rõ thời gian hoàn thành, không để “chìm xuống”, nhất là sau khi vận hành tổ chức bộ máy mới. Đối với những nội dung liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp thì các cấp ủy, cơ quan chức năng phải có kết luận trong Quý III/2025.

Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra, làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, tham nhũng, tiêu cực, để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, nhất là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh (hoàn thành trong Quý III/2025).

Bốn là, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ và tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Sau hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, các xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phạm vi quản lý của các địa phương lớn hơn, được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn, nhất là cấp xã được phân cấp, phân quyền giải quyết nhiều công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. 

Do vậy, phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực ở địa phương, đặc biệt là ở cấp xã, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản công sau sắp xếp tỉnh, xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, có phương án xử lý đối với các trụ sở công dôi dư, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh để lãng phí (theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 4.266 trụ sở dôi dư).

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, chủ động xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới. Đối với các địa phương mới hợp nhất, sáp nhập phải nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. 

Năm là, tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; bảo đảm chính quyền 3 cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời là công cụ, giải pháp hữu hiệu để PCTNLPTC. Khi tất cả các hoạt động được công khai, minh bạch, được giám sát thường xuyên bằng dữ liệu thì mục tiêu “không thể” tham nhũng, tiêu cực mới có thể thực hiện được. Tổng Bí thư yêu cầu người đứng đầu các cấp phải trực tiếp chỉ đạo công tác này. Các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống chính trị; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vì “níu kéo lợi ích” mà cố tình chậm trễ, dây dưa không thực hiện chuyển đổi số để ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả hệ thống chính trị.

Sáu là, khẩn trương tiến hành tổng kết toàn diện công tác PCTNLPTC nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảngtừ chi bộ, cơ sở, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về công tác PCTNLPTC,nhất là trong điều kiện thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đồng thời, rà soát các nhiệm vụ, giải pháp về PCTNLPTC trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIV đã có đủ cơ sở chính trị, pháp lý để tham mưu việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện ngay, không đợi đến sau Đại hội XIV (tinh thần là đổi mới cách làm, rút ngắn thời gian đưa Nghị quyết vào cuộc sống, khắc phục bằng được vấn đề mà lâu nay chúng ta cứ nói mãi: tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu).

3. Cũng tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 06 vụ việc do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; thống nhất đưa 4 vụ án và 02 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: 

(1) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”xảy ra tại công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung và các đơn vị có liên quan; (2) Vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần khoa học TSL và các cơ quan, tổ chức liên quan; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty ZHolding; (4) Vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Viện pháp y tâm thần Trung ương và một số đơn vị, địa phương liên quan; (5) Vụ việc có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và đưa hối lộ xảy ra tại Công ty Khoa học và công nghệ Avatek; (6) Vụ việc có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

z6780707141453_c531ba699d69a5c062b8b04e7f31dc54.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng

VOV.VN - Ngày 7/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì họp phiên thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng qua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Vũ khí sắc bén phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Vũ khí sắc bén phòng chống tham nhũng, tiêu cực

VOV.VN - Trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”, báo chí là lực lượng xung kích, vũ khí sắc bén tham gia tuyên truyền, phản ánh, lan toả thông tin, tạo nên sự đồng thuận, hình thành một mặt trận thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Vũ khí sắc bén phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Vũ khí sắc bén phòng chống tham nhũng, tiêu cực

VOV.VN - Trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”, báo chí là lực lượng xung kích, vũ khí sắc bén tham gia tuyên truyền, phản ánh, lan toả thông tin, tạo nên sự đồng thuận, hình thành một mặt trận thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực tiễn phát triển đất nước
Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực tiễn phát triển đất nước

VOV.VN - Chiều 22/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí tới thăm và chủ trì buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và phương hướng, nhiệm vụ công tác của Ban trong thời gian tới.

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực tiễn phát triển đất nước

Tổng Bí thư: Phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực tiễn phát triển đất nước

VOV.VN - Chiều 22/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí tới thăm và chủ trì buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và phương hướng, nhiệm vụ công tác của Ban trong thời gian tới.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí là "người lính tiên phong"
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí là "người lính tiên phong"

VOV.VN - Tham nhũng là “giặc nội xâm”, đe dọa sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí là “người lính tiên phong”, dũng cảm vạch trần cái sai. Với cây bút và sự thật làm vũ khí, các nhà báo đang âm thầm cống hiến, phục vụ đất nước.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí là "người lính tiên phong"

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí là "người lính tiên phong"

VOV.VN - Tham nhũng là “giặc nội xâm”, đe dọa sự phát triển của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí là “người lính tiên phong”, dũng cảm vạch trần cái sai. Với cây bút và sự thật làm vũ khí, các nhà báo đang âm thầm cống hiến, phục vụ đất nước.