Kết quả tích cực từ thí điểm không tổ chức HĐND

Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, tính đại diện và quyền dân chủ của nhân dân trong thực thi quyền lực Nhà nước trên địa bàn quận, huyện phường được phát huy.  

Chiều 16/8 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường tổ chức tổng kết bước 1 việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân (HĐND) quận, huyện, phường. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo một số Bộ, Ban ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm.

Thực hiện Nghị quyết số 26 Quốc hội khoá XII về thực hiện thí không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, từ ngày 25/4/2009, 10 tỉnh, thành phố đã thực hiện thí điểm gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Tổng số đơn vị thực hiện thí điểm là 67 huyện, 32 quận và 483 phường.

Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm, tính đại diện và quyền dân chủ của nhân dân trong thực thi quyền lực Nhà nước trên địa bàn quận, huyện phường được phát huy, thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp trên. Hoạt động tiếp công dân tại các huyện tăng gần 18%; tại các quận tăng gần 7% và các phường tăng 11%.

Thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện phường đã tạo một bước đột phá trong cải cách hành chính; góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ sự khác nhau giữa tổ chức chính quyền đô thị và nông thôn; đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của UBND, đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP HCM cho biết: TP HCM là nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường lớn nhất với  quy mô ở cả  24/24 quận, huyện. Việc thực hiện thí điểm, bước đầu đã giảm tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý công việc, đồng thời vẫn bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương. Ngoài ra, nhiệm vụ kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo được  với GDP tăng 11%. Riêng trong tiết kiệm hội họp năm qua, thành phố tiết kiệm được 30 tỷ đồng.

Để việc thực hiện thí điểm đạt hiệu quả cao hơn, bà Phạm Thị Phương Thảo đề xuất: “Thực hiện thí điểm vai trò giám sát của HĐND ở các tỉnh, thành, trong đó vai trò của tổ đại biểu HĐND cũng như là đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phải được tăng cường hơn nữa. Chúng ta phải có cơ chế cho phép các tổ đại biểu HĐND và trực tiếp đại biểu HĐND có thể tiến hành hoạt động giám sát theo chương trình kế hoạch và theo sự chỉ đạo chung; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tiến hành giám sát”.

Cũng theo các đại biểu, trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm, ở địa phương còn gặp một số vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc giải quyết các kiến nghị của nhân dân; thiếu các quy định của pháp luật hướng dẫn công tác chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa HĐND cấp xã, thị trấn và UBND huyện gây lúng túng, khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành. Việc chưa ban hành quy chế mẫu làm căn cứ cho địa phương ban hành quy chế làm việc cũng là một khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là một việc lớn liên quan đến hệ thống chính quyền và lợi ích của người dân. Việc tổ chức thực hiện thí điểm là chủ chương tốt tạo ra bước chuyển có kết quả, góp phần cải cách hành chính, tính thông nhất của chính quyền đô thị tốt hơn, khoảng cách giữa chính quyền với dân gần hơn, công việc giải quyết nhanh hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng Nhấn mạnh: “Thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tạo ra được bước chuyển trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương; nhất là phân biệt rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Khoảng cách giữa tỉnh với xã gần hơn. Chúng ta vẫn bảo đảm được tính thống nhất xuyên suốt hiệu lực hiệu quả của bộ máy hành chính, iều hành của bộ máy ngắn hơn và gần dân hơn”.

Phó Thủ tướng đề nghị, trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, các địa phương tiếp tục đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, kiến nghị với Trung ương những vấn đề vướng mắc nảy sinh để việc triển khai trên diện rộng bảo đảm dân chủ, khoa học, đúng luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên