Kỷ niệm 48 năm ngày ký hiệp định Paris: Về nơi chung một bóng cờ
VOV.VN - Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 01/1973, ta đã có một vùng giải phóng rộng lớn từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau. Tỉnh Quảng Trị được giải phóng và trở thành nơi nối liền hậu phương lớn miền Bắc XHCN.
Ngày 30/5/1973, sau hơn 4 tháng của ngày ký Hiệp định Paris (27/01/1973), khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được khánh thành tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 01/1973, ta đã có một vùng giải phóng rộng lớn từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau. Tỉnh Quảng Trị được giải phóng và trở thành nơi nối liền hậu phương lớn miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để xây dựng trụ sở trong thời điểm thế và lực của ta trên chiến trường đã hoàn toàn chủ động. Vị trí đặt trụ sở cũng rất thuận lợi cho khách quốc tế và đặc biệt là các đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến trình Quốc thư hoặc làm việc.
Ông Nguyễn Đức Tấn, 82 tuổi, ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, là cán bộ lão thành cách mạng luôn xúc động mỗi khi thăm lại trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời. Ông Tấn cho biết, trụ sở này được xây dựng ngay trong tầm pháo của địch, nhưng ngược lại địch cũng nằm trong tầm hỏa lực của ta, nơi này vẫn tồn tại vững chắc và hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất. Việc đặt khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ có ý nghĩa to lớn, khẳng định được thế chủ động của ta, xây dựng niềm tin vững chắc cho quân và dân ta trên chiến trường.
Theo ông Nguyễn Đức Tấn, Chính phủ Cách mạng lâm thời tập hợp được mọi lực lượng dân chủ yêu chuộng hòa bình. Khi đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt trụ sở tại Cam Lộ để đưa cách mạng nước ta phát triển, có quan hệ với nhiều nước trên thế giới. Tuy tồn tại không dài nhưng, từ 1973 đến 1975 thống nhất đất nước nhưng sứ mệnh của cách mạng đã giao như vậy, đã để lại sự vinh danh, di tích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành thắng lợi hoàn toàn để thống nhất đất nước.
Từ năm 1973 đến năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đón hàng chục đoàn khách quốc tế, các đại sứ đến trình Quốc thư hoặc làm việc. Nơi này cũng đã đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị, một chuyến đi có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của quân và dân miền Nam Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người từng vinh dự đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm và làm việc tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể lại, nơi này có hơn 40 nước cử Đại sứ đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngạo giao và nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến thăm.
“Tại khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong số các nước tham gia, ủng hộ phong trào giải phóng miền Nam Việt Nam đã đến trình quốc thư. Sau đó thì có những cuộc gặp mặt, trò chuyện" ông Kỳ nhớ lại.
Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ngày 25/01/1991. Khu trụ sở được xây dựng gồm 2 khu độc lập, trong đó khu A với 2 nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1 nhà ăn; còn khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên, cán bộ của Chính phủ...
Mặc dù được xây dựng khẩn trương, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu. Khu Chính phủ được phân bố hài hòa giữa các dãy nhà quy hoạch thoáng đẹp. Trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cổ thụ và cây cảnh, đặc biệt là hàng dừa- biểu tượng sức sống quật cường của nhân dân và cách mạng miền Nam.
Ông Hoàng Phước Lãm, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho biết, từ năm 1993, việc tôn tạo khu di tích được tiến hành, đến nay đã được phục dựng tương đối hoàn chỉnh với khuôn viên xanh, sạch, đẹp.
Theo ông Hoàng Phước Lãm, khu di tích mở cửa hàng ngày để đón tiếp các đoàn du khách, các em học sinh đến tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ. Trong đó, công trình này mang tính chất đi vào lịch sử, được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Những năm trở lại đây, các trường cho học sinh đến tham quan di tích, tìm hiểu lịch sử cách mạng ở nơi đây.
Giữa sân, ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh tung bay kiêu hãnh bên cạnh cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Qua những năm đấu tranh giành độc lập, dưới lá cờ chung, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày độc lập thống nhất, non sông thu về một mối./.