Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 25 địa phương khu vực phía Bắc
VOV.VN - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương làm thế nào để Luật Đất đai (sửa đổi) có thể phân cấp được mạnh mẽ, người dân thể hiện được quyền của mình, Nhà nước thay mặt nhân dân giám sát được biến động đất đai.
Ngày 25/2 tại Bắc Ninh, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp…
Nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường...
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến: Về người sử dụng đất, theo khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật đất đai, Dự thảo chỉ quy định nguời sử dụng đất là "Hộ gia đình" trước khi Luật có hiệu lực thi hành, được hiểu là sau Luật có hiệu lực thì không còn "Hộ gia đình sử dụng đất".
Ông Quỳnh đề nghị cân nhắc kỹ quy định này, vì hộ gia đinh nói chung, hộ gia đình sử dụng đất nói riêng có tính truyền thống, là tế bào của xã hội. Số hộ gia đình sử dụng đất rất lớn, đặc biệt là sử dụng đất nông nghiệp và thực tế còn nhiều hộ gia đình chưa được công nhận quyền sử dụng đất. Nếu Dự thảo Luật không điều chỉnh thì cần quy định cụ thể phương án xử lý đối với Giấy chứng nhận đã cấp, cơ sở dữ liệu đất đai đã lập cho hộ gia đình.
"Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cũng đề nghị cần làm rõ “độ sâu trong lòng đất" là bao nhiêu? Do vấn đề này liên quan đến quyền của người sử dụng đất để xây dựng các công trình ngầm và thực hiện bảo vệ công trình công cộng trong lòng đất, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về độ sâu trong lòng đất…" - ông Quỳnh ý kiến.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương có ý kiến tập trung vào vấn đề như: cách xác định giá đất, quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, thế nào là giá thị trường? làm sao có dữ liệu đúng? làm thế nào để điều chỉnh hài hòa lợi ích các bên...? Đặc biệt, làm thế nào để luật có thể phân cấp được mạnh mẽ, người dân thể hiện được quyền của mình, Nhà nước thay mặt nhân dân giám sát được biến động đất đai?
“Để huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đối) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đât nước… Ngày 23 tháng 12 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để triển khai Nghị quyết nêu trên, ngày 31 tháng 12 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQHIS…/.