Không để mất lợi thế cây ăn quả vùng ĐBSCL
VOV.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng, vùng ĐBSCL cần bàn giải pháp phòng chống hạn, mặn và liên kết tiêu thụ trái cây gắn với truy xuất nguồn gốc.
Sáng 6/11, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp phòng chống hạn, mặn và liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây gắn với truy suất nguồn gốc vùng ĐBSCL”.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2019 diện tích cây ăn quả cả nước đạt hơn 1 triệu ha, trong đó diện tích cây ăn quả của ĐBSCL là 291.000 ha, chiếm 26% diện tích cây ăn quả cả nước, chiếm 58% diện tích cây ăn quả của miền Nam.
Sản lượng cây ăn quả của ĐBSCL khoảng 3,5 triệu tấn, với các loại như xoài, nhãn, chuối, bưởi, cam, sầu riêng, thanh long, khóm, chôm chôm... Cũng trong năm này, giá trị xuất khẩu rau quả cả nước đạt hơn 3,7 tỉ USD; sản phẩm rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại diễn đàn, bên cạnh việc đánh giá tình hình sản xuất cây ăn quả năm 2019; các diễn giả cũng dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn năm 2020-2021 tại các cửa sông vùng ĐBSCL và đề xuất các giải pháp chống hạn, mặn; công tác bảo vệ cây ăn quả và công tác mở cửa thị trường cùng giải pháp quản lý, sử dụng mã số vùng trồng tại các tỉnh, thành phía Nam.
Nhiều diễn giả quan tâm đến kết quả nghiên cứu, chọn tạo giống và tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả và giải pháp ứng phó, khôi phục sau hạn hán, xâm nhập mặn cho cây ăn quả vùng ĐBSCL…
Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng đặt vấn đề nhờ các diễn giả tư vấn về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sử dụng phân bón sao cho hiệu quả, xử lý cây trồng sau đợt hạn mặn…
Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cây ăn quả khu vực ĐBSCL đang có vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà về sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan với mật độ thường xuyên, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây ăn quả tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, với diện tích trồng nhỏ lẻ, không tập trung đã gây khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm; phát triển diện tích, tiêu thụ trái cây gắn với truy suất nguồn gốc vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế.
Do đó, diễn đàn lần này tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp gặp gỡ chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm, bài học, thực tiễn sản xuất. Đây cũng là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là chia sẻ giải pháp công nghệ từ nhà khoa học, doanh nghiệp để cùng đồng hành với hệ thống khuyến nông trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hiệu quả./.