Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Thành phố Hồ Chí Minh
VOV.VN - Cùng với Thủ đô Hà Nội và quê nhà Quảng Ngãi, 7h sáng nay 24/5, tại Hội trường Thống Nhất- TP.HCM cũng diễn ra Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, giữa tiếng nhạc trầm buồn của bài “Hồn tử sĩ”, các đồng chí lãnh đạo TP.HCM, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các lực lượng vũ trang, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đoàn ngoại giao các nước tại TP.HCM, cùng các đoàn đại biểu từ các tỉnh, thành phố phía Nam và đông đảo tầng lớp nhân dân đã có mặt từ sớm, trang nghiêm xếp hàng, lần lượt vào viếng.
Đoàn các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn Thành ủy, HĐND, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu, đã thành kính dâng hương, nghiêng mình tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.







Tiếp đó, các đoàn đại biểu đại diện cho UBND TP.HCM, các khối đoàn thể, tổ chức, cùng đoàn ngoại giao đã vào viếng. Cũng trong sáng nay, đông đảo người dân TP.HCM cũng đã thu xếp công việc, cùng người thân đến Hội trường Thống Nhất để tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Có mặt trong đoàn Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, bà Tăng Thị Kim Hoàng, một kiều bào từ Úc, chia sẻ bà cùng chồng đã đến viếng từ sớm.
Trước đó, dù sinh sống ở nước ngoài, bà vẫn luôn dõi theo tình hình đất nước và nhận định rằng mỗi vị lãnh đạo đều có những đóng góp và dấu ấn riêng trong công cuộc xây dựng, phát triển Tổ quốc:
"Tôi rất xúc động vì nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đặt ý chí của mình để lãnh đạo người Việt Nam sống trong cuộc sống hòa bình", bà Kim Hoàng nói.


Đại diện các tổ chức tôn giáo tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam cũng đã đến kính viếng, bày tỏ lòng tiếc thương.
Bà Lê Thị Đan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài tại TP.HCM, chia sẻ rằng, khi còn đương nhiệm, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động, phát triển, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc:
"Tôi rất xúc động trong buổi viếng tang hôm nay, chúng tôi hết sức cảm kính và trân trọng công sức của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đóng góp cho quê hương đất nước, 88 tuổi đời, trong đó có gần 70 tuổi Đảng", bà Đan xúc động nói.

Trong dòng người đến viếng có cả những gương mặt trẻ là sinh viên, học sinh. Anh Nguyễn Ngọc Sĩ Đan (31 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) chia sẻ đã đến Hội trường Thống Nhất từ sớm để được vào viếng.
Anh Sĩ Đan bồi hồi cho biết, thế hệ anh lớn lên khi nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn tại vị, và đối với anh, ông mãi là một tấm gương sáng về sự cống hiến cho Tổ quốc để thế hệ trẻ học tập, noi theo:
"Chúng em vô cùng thương tiếc nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chúng em sẽ luôn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt để cống hiến cho đất nước", Sĩ Đan chia sẻ.
Trong số những người đến tiễn biệt, còn có những người từng có duyên gặp gỡ, làm việc cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi ông còn đương nhiệm.

Cựu chiến binh Vũ Thị Minh Thái, người vinh dự ba lần được nguyên Chủ tịch nước trao tặng huân chương, không giấu được niềm xúc động, bày tỏ lòng biết ơn và sự kính phục sâu sắc.
Bà Thái bồi hồi kể lại kỷ niệm thời niên thiếu, khi bà học cùng trường Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương – người học trên bà hai lớp.
Nghe tin ông từ trần, do điều kiện không thể về quê tiễn biệt, bà đã đến Hội trường Thống Nhất để thắp nén tâm hương:
"Thời điểm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên làm Chủ tịch nước là giai đoạn khó khăn, nhưng đồng chí đã có những ý tưởng, hành động táo bạo, dẫn dắt quân và dân ta tiến lên. Để có đất nước ngày hôm nay, công lao của đồng chí Trần Đức Lương rất lớn", bà Thái kể lại.

