Mỹ công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine
VOV.VN - Mỹ ngày 20/11 đã công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ được công bố trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua mốc 1.000 ngày.
Đây là gói viện trợ thứ 17 của Mỹ dành cho Ukraine và được lấy từ kho dự trữ của bộ Quốc phòng Mỹ kể từ tháng 8 năm 2021. Gói viện trợ trị giá 275 triệu USD bao gồm đạn cho hệ thống pháo và tên lửa, các loại vũ khí chống tăng, và thiết bị bảo hộ chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, và hạt nhân.
Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức trong hai tháng tới, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hành động khẩn trương để giải ngân toàn bộ số tiền viện trợ đã được quốc hội phê duyệt cho Ukraine qua đó giúp nước này giành ưu thế khi bước vào mùa đông. Chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải nhanh chóng chuyển giao số vũ khí trị giá 7,1 tỷ USD từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc để chuyển giao cho Ukraine trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2025. Số tiền này bao gồm khoản hỗ trợ 4,3 tỷ USD trong đạo luật viện trợ nước ngoài mà quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu năm nay, cùng 2,8 tỷ USD chưa giải ngân của Lầu Năm Góc.
Ngoài gói viện trợ cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cho phép chuyển giao mìn chống bộ binh cho Ukraine, đảo ngược chính sách cấm chuyển giao và sử dụng mìn chống bộ binh của Mỹ bên ngoài bán đảo Triều Tiên. Đây là loại mìn chống bộ binh, "không bền", nghĩa là chúng có thể tự hủy, hoặc mất điện tích pin khiến chúng không hoạt động. Theo một số quan chức Mỹ, phía Ukraine đã cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực có dân thường sinh sống
Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hành động đảo ngược chính sách đáng kể của Washington trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.
Truyền thông Nga hôm 19/11 đưa tin Ukraine đã bắn 6 tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga. Đây có thể coi là lần đầu tiên Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đầu năm 2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày đã ký thông qua hàng loạt điều chỉnh về học thuyết vũ khí hạt nhân của đất nước, cho phép dùng vũ khí hạt nhân nếu Nga bị không kích quy mô lớn.