Nghệ An làm theo lời Bác dặn: Lan tỏa tinh thần tự thân, tự giác
VOV.VN - Trong phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tấm gương rất bình dị, phát huy cao tinh thần tự thân, tự giác, làm việc từ cái tâm.
Nghệ An những ngày tháng năm, trời xanh ngăn ngắt. Cờ hoa rợp khắp các con đường, vừa hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Trong những hoạt động kỷ niệm ngày sinh nhật Người, ngày 16/5 này, Nghệ An sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến, là các cá nhân và tập thể sau một năm thực hiện đợt thi đua “Nghệ An làm theo lời Bác dặn”.
Bệnh viện tâm thần tỉnh Nghệ An - TP Vinh. (Ảnh: Trọng Phú) |
Nằm ở vùng ven thành phố Vinh, bệnh viện tâm thần tỉnh Nghệ An gây ấn tượng với bệnh nhân và người nhà của họ chính là ở môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Hơn 200 y bác sĩ, 17 khoa phòng với số lượng bệnh nhân thường xuyên trên 300 người, bệnh viện này có quy mô tương đương với bệnh viện tâm thần cấp trung ương. Đây là nơi chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân dân tỉnh Nghệ An, 1 số tỉnh lân cận và nước bạn Lào.
Bệnh nhân Bệnh viện tâm thần tỉnh Nghệ An luyện tập, phục hồi chức năng. |
Được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, những khu nhà điều trị tưởng rằng sẽ sập sệ, cũ kỹ, nhếch nhác, sẽ đáng sợ với phần lớn những con người không kiểm soát được hành vi. Nhưng ngược lại, bên trong khuôn viên bệnh viện, chỗ nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Người nhà bệnh nhân được bố trí ghế đá, ghế ăn dưới những lùm cây xanh mát. Tất cả những khoảnh sân nằm giữa những khoa phòng được bố trí dụng cụ tập thể dục ngoài trời. Bệnh nhân có quyền phản ánh bất cứ điều gì không hài lòng trong các cuộc họp của hội đồng người bệnh và gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo bệnh viện. Số điện thoại của giám đốc bệnh viện được dán ở khắp mọi nơi.
Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc bệnh viện tâm thần tỉnh Nghệ An. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi làm không phải để lấy thành tích. Mục đích cuối cùng là tạo sự yên tâm cho người bệnh để họ mạnh dạn đến nơi đây. Hiện nay, nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần còn hạn chế, họ lại mặc cảm, không muốn vào viện nên thường để bệnh rất nặng mới chữa trị. Chúng tôi muốn tạo một môi trường văn minh, lịch sự, thân thiện để người bệnh xóa đi mặc cảm đó”.
Trao quà hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An. |
Bình dị, không màu mè, phô trương, miễn sao giúp ích cho cộng đồng... Đó là điểm chung dễ nhận thấy ở các điển hình tiên tiến. Tại huyện Nam Đàn, gần 1 năm nay, Hội phụ nữ huyện đã đứng ra làm cầu nối để giúp hơn 100 học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt được trợ cấp hàng tháng tiền học và đồ dùng học tập. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nam Đàn rất hào hứng kể:"Sau khi bàn bạc, thống nhất, chị em trong hội quyết định chọn một việc làm, dù rất nhỏ thôi nhưng quyết tâm để không một trẻ em nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị thất học. Từ ý tưởng đó, các chị rà soát tất cả những trường hợp mồ côi, nghèo khó rồi kết nối với 84 cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn trực tiếp hỗ trợ các em. Từ đầu năm học 2019 đến nay, hầu hết số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Nam Đàn đã được trợ giúp 200-500.000 đồng/cháu/tháng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nam Đàn. |
“Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm ủng hộ. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó tiến hành theo từng đợt chứ không thường xuyên. Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi vận động các cơ quan, ban ngành ngay trên chính quê hương Nam Đàn giúp đỡ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn tiền học để các cháu không bị thất học. Đến nay, hầu như không còn cháu nào có hoàn cảnh đặc biệt mà chưa được hỗ trợ”- Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nam Đàn chia sẻ.
“Nghệ An làm theo lời Bác dặn” là hoạt động thi đua được khởi động từ tháng 6/2019 nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Phong trào thi đua đã tạo ra sự gắn kết giữa chính quyền và người dân tốt hơn. Tỉnh chọn những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế- xã hội, chọn những vấn đề bức xúc của dân để giải quyết. Trong đó, đề cao hình ảnh người đảng viên mẫu thực, uy tín; quyết tâm cải cách hành chính- cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao đạo đức công vụ, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An. |
Đặc biệt, trong phong trào đó cũng xuất hiện nhiều tấm gương rất bình dị, phát huy cao tinh thần tự thân, tự giác, làm việc từ cái tâm chứ không phải bệnh thành tích. Đó là những Bí thư chi bộ làm tốt việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nông thôn mới, vận động bà con không sinh con thứ ba, đoàn kết lương giáo, xây dựng công trình nước sạch cho nhân dân, xây dựng "Thùng tiết kiệm làm theo lời Bác", “Ống tiền từ thiện”,”Bát cháo tình thương”, “Tấm chăn tình nghĩa”… hay như Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động nhân dân góp công, góp của với giá trị khoảng 70 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.