Ông Bùi Thanh Sơn được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
VOV.VN - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Trong danh sách 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm sáng 8/4 có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, ông Bùi Thanh Sơn giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Ông Bùi Thanh Sơn sinh năm 1962, quê quán quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội: Khóa XIV.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quan hệ quốc tế, từng công tác trong ngành ngoại giao từ năm 1987, từng kinh qua các chức vụ như: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao; Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao...
Từ tháng 11 năm 2009 đến nay, ông Bùi Thanh Sơn làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.
Sau 15 năm, kể từ năm 2006 đến nay, Bộ Ngoại giao mới có một ứng viên Bộ trưởng không phải là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm.
Nhiệm kỳ 2006 - 2011, người đứng đầu ngành ngoại giao là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Từ năm 2011 đến nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Minh đảm nhận cương vị này 1 nhiệm kỳ với tư cách Ủy viên Trung ương Đảng và 1 nhiệm kỳ với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Bùi Thanh Sơn đã có bài tham luận, trong đó nhấn mạnh, đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiến tạo mọi điều kiện, huy động mọi nguồn lực, và tranh thủ mọi cơ hội để phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.
Để làm được như vậy, ông Bùi Thanh Sơn kiến nghị một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đưa vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích và tin cậy chính trị với 30 Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; tham gia tích cực hơn vào định hình các thể chế đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, hợp tác Mê Công…; Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, tích cực nắm bắt các cơ hội to lớn về khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh...
Đặc biệt, đối ngoại kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, giữa Đối ngoại Đảng, Ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, để tạo thế chân kiềng vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.../.