Phiên giải trình về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý
VOV.VN - Sáng nay (8/8), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp.
Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, đến nay tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Việc phân cấp cho Bộ, địa phương quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý giúp Bộ, địa phương đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực thế của đơn vị.
Tuy nhiên, phân cấp này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí viên chức lãnh đạo, quản lý nhưng tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại không giống nhau ở từng địa phương, thậm chí khác nhau giữa các huyện trong cùng một địa phương. Đáng chú ý, tiêu chuẩn về trình độ quản lý, trình độ lý luận có tình trạng chưa thống nhất trong thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nêu rõ, tiêu chuẩn chính trị càng quy định không thống nhất. Quy định do Ban Tổ chức Trung ương quy định nhưng mỗi nơi làm khác nhau: "Cán bộ lãnh đạo quản lý có chỗ đòi hỏi cao cấp chính trị mới được bổ nhiệm Giám đốc, Có chỗ chỉ Trung cấp chính trị cũng được bổ nhiệm giám đốc. Có chỗ quy định chuyên viên chính được bổ nhiệm giám đốc. Có chỗ không quy định chuyên viên chính, chỉ cần chuyên viên. Như vậy, cách tổ chức Bộ Nội vụ xử lý như nào để dễ dàng tổ chức thực hiện”
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ, tiêu chuẩn ngạch công chức là một trong những quy định của tiêu chuẩn bổ nhiệm, dẫn đến câu chuyện có những tỉnh phải là chuyên viên chính mới bổ nhiệm Giám đốc Sở. Có những tỉnh chỉ quy định là chuyên viên đã bổ nhiệm thôi. Do vậy, dẫn đến các trường hợp một số cán bộ trẻ khi muốn lên chuyên viên chính lại phải mất thời gian 9 hay 10 năm. Như vậy ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm cán bộ trẻ. Hiện nay Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về tiêu chuẩn công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính các cấp, trong đó Bộ Nội vụ đề xuất không quy định tiêu chuẩn ngạch là tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam chỉ rõ thực trạng đó là đối với giáo viên được hưởng thâm niên công tác, nhưng đối với cán bộ quản lý giáo dục thì không được hưởng.
Giải trình băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ: Đây cũng vướng, khi đang là viên chức của các cơ sở đang được hưởng các quy định viên chức giáo dục. Khi bổ nhiệm vị trí làm việc tại phòng, sở thì chuyển công chức quản lý. Công chức thì quy định chung, hiện chưa có quy định riêng. Đấy là vướng, thực chất làm việc Bộ Nội vụ nhưng riêng quy định điều chỉnh riêng cho giáo dục là khó, tìm cách có biện pháp kiến nghị”.
Việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp cũng gặp vướng mắc về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa ban hành đầy đủ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dẫn đến các địa phương khác sau khi tuyển dụng không thể sắp xếp vào chức danh nghề nghiệp tương ứng. Việc phân hạng chức danh nghề nghiệp còn chưa thể hiện rõ ràng sự khác biệt giữa các hạng. Một số chức danh nghề nghiệp yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng, nhưng nhiều nội dung trùng lắp với chương trình đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, bảo đảm xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm cơ sở để cơ quan quản lý, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức đúng quy định của pháp luật. Rà soát tổng thể các quy định về chức danh nghề nghiệp và hạng chức danh nghề nghiệp; trước mắt chỉnh lý các quy định về thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đảm bảo đơn giản, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ; cắt giảm các chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm./.