Quốc hội thảo luận các dự án năng lượng điện

Trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước, trong khi các nguồn năng lượng nhiệt điện và thủy điện đều có hạn, phát triển năng lượng nguyên tử là một tất yếu

Sáng nay (7/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu và dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Về dự án Thuỷ điện Lai Châu, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao và ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương đầu tư dự án Thuỷ Điện Lai Châu, một công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng. Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắk Lắk), Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cùng nhiều đại biểu khác cũng đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ đối với đề án quan trọng này và cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra Dự án Thuỷ điện Lai Châu của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng nói chung và điện năng nói riêng của đất nước; khẳng định sự phù hợp của dự án với quy hoạch khai thác tiềm năng sông Đà, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Quan điểm ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Thuỷ điện Lai Châu của các đại biểu là rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các đại biểu đặc biệt quan tâm và mong muốn Chính phủ lưu tâm nhất trong chủ trương đầu tư dự án này là vấn đề tái định cư, đảm bảo dân sinh. Các đại biểu khẳng định, công tác di dân và tái định cư phục vụ dự án cần phải được đặc biệt chú trọng trong quá trình thực hiện, cần rút kinh nghiệm công tác này từ việc thực hiện xây dựng các dự án Thuỷ điện tương tự trong khu vực, mới đây nhất là Nhà máy thuỷ điện Sơn La và trước đó là Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù số nhân khẩu phải di dời và tái định cư trong dự án thuỷ điện Lai Châu là ít hơn so với một số dự án trước đó, song công tác này phải đảm bảo sao cho người dân được tái định cư, có cuộc sống tốt hơn khi chuyển khi phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn, về nơi ở mới.

Bên cạnh vấn đề di dân, tái định cư, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm và đưa ra kiến nghị về việc tăng cường quản lý vốn của dự án, đặc biệt là vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng tham ô, lãng phí; đảm bảo hạn chế tối đa tác động về mặt môi trường; chú trọng công tác giám sát và hậu giám sát việc thực hiện dự án; việc đảm bảo và giữ vững an ninh quốc phòng…

Các đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang), Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị Ban soạn thảo cần lưu tâm những vấn đề được đưa ra trong Báo cáo thẩm tra: Thời gian thi công, vấn đề đảm bảo lưu lượng nước cho công trình, vấn đề an ninh; đồng thời cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường ở khu vực thượng lưu, tác động của việc ngăn đập Lai Châu; phân tích làm rõ hơn khả năng nước hạ lưu xuống thấp trong khi nước biển ngày càng tăng, làm tăng khả năng xâm thực của biển, ảnh hưởng đến giao thông vận tải, đời sống…

Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng chưa nên đề cập đến dự án thủy điện Lai Châu ở thời điểm này. Bởi hiện tại, khi dự án thủy điện Sơn La chưa hoàn thành, chưa thể đưa ra đánh giá về các mặt của dự án này, do vậy khó có thể rút kinh nghiệm đối với dự án thủy điện Lai Châu.

Cũng trong phiên thảo luận ở tổ sáng nay, các đại biểu cũng bày tỏ sự tán thành cao với chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, coi đó là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn năng lượng hiện đại và hiệu quả của thế giới, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của đất nước; đồng thời đa dạng hoá nguồn năng lượng điện của chúng ta. Đại biểu Đinh Xuân Thảo dẫn khuyến cáo của các chuyên gia nước ngoài cho biết, khi xây dựng năng lượng điện hạt nhân phải đặt chỉ tiêu an toàn lên hàng đầu, sau đó mới là hiệu quả. Để đảm bảo chỉ tiêu an toàn, phải hình thành văn hóa an toàn hạt nhân từ các cấp lãnh đạo tới mỗi người dân, như vậy cần có một lộ trình để chuẩn bị từ cơ sở hạ tầng, luật pháp để mọi người tuân thủ, lựa chọn công nghệ và giáo dục người dân… Lộ trình đó với Việt Nam (là nước đi sau và kế thừa kinh nghiệm của thế giới) cần ít nhất 15 năm kể từ khi Quốc hội bấm nút thông qua. Ở Trung Quốc, lộ trình này là 20 năm, ở Ấn Độ là 30 năm.

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các Tờ trình dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiện và hiệu quả; Tờ trình dự án Luật Thi hành án hình sự; Tờ trình dự án Luật Trọng tài thương mại và các Báo cáo thẩm tra các dự án Luật này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên