Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... sẽ được mời phát biểu về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành 1,5 ngày, từ chiều 31/10 đến hết ngày 1/11/2023 để thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với 183 đại biểu đăng ký, đã có 24 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, còn 152 đại biểu chưa phát biểu. Để nghe được nhiều ý kiến, Quốc hội đã thống nhất rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu từ 7 phút xuống 5 phút, đi thẳng vào vấn đề, tránh trùng lặp nội dung.
Điều hành phiên thảo luận chiều qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, do có nhiều đại biểu phát biểu liên quan đến một số vấn đề nên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ được mời trao đổi trong phiên làm việc sáng nay.
Nhìn chung, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã trình trước Quốc hội. Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo, đất nước phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi tác động từ bên ngoài và cả những bất cập, hạn chế, yếu kém về nội lực của nền kinh tế bên trong.
Song, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, chúng ta đã vượt lên khó khăn, thách thức, giành nhiều kết quả quan trọng.
Nhìn tổng quát, kinh tế - xã hội Việt Nam như một ngôi sao ngược gió, có xu hướng phục hồi tích cực so với thế giới.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, hoạt động của doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài đã có chiều hướng thuận lợi hơn.
Bội chi nợ công trong giới hạn cho phép, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả nổi bật, uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về nhiều những tồn tại, hạn chế mà trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra.
Cụ thể như năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong 5 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 đến 4,76%, chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo sẽ khó khăn hơn, toàn cầu hóa và thương mại sẽ tiếp tục giảm. Nghị quyết số 16/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 20 chỉ tiêu, đối với một số chỉ tiêu về kinh tế việc đạt được yêu cầu là hết sức khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường dự báo, đánh giá kỹ tình hình để trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp cũng như có giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu và cho từng năm từ nay đến hết năm 2025.
Hay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 4,24%, dự báo cả năm ước đạt trên 5%. Song để đạt mức tăng trưởng 5% thì quý 4 tăng trưởng GDP ít nhất phải đạt 7%. Để đạt mức tăng trưởng 5,5% thì quý 4 phải đạt 8,6% và để đạt mức tăng trưởng 6% thì quý 4 phải đạt 10,6%. Đây cũng là chỉ tiêu dự kiến sẽ khó đạt trong cả giai đoạn 2021-2025.
Trước đây, các địa phương thường gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công nhiều hơn thì đến nay các bộ, ngành cũng gặp khó khăn. Có đến 29 bộ, ngành giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn, trong đó có 17 bộ, ngành cơ quan Trung ương giải ngân dưới 10%.
Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả việc thị trường, đơn hàng và tiếp cận nguồn vốn. Số doanh nghiệp thành lập mới có chiều hướng tăng, song vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới giảm 17,2% và tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm tới 34,2%, phản ánh sức chịu đựng và nội lực của doanh nghiệp còn rất yếu, trong khi đó số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản rút lui khỏi thị trường còn rất cao.
Tình trạng người lao động mất việc làm tại các khu vực công nghiệp vẫn diễn ra. Việc xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả, ngân hàng yếu kém còn chậm. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lĩnh vực y tế, giáo dục còn những mảng gam màu tối chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp như cháy nổ, lừa đảo qua mạng xã hội.
Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục.
Kinh tế phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, về mặt xã hội đang có những vấn đề đặt ra đáng quan tâm, đó là sự bất bình đẳng trong đời sống và thu nhập, nó thể hiện sự chênh lệch thu nhập mức sống giữa các tầng lớp lao động và dân cư. Về mặt đạo đức, lối sống, có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội…