Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách
VOV.VN - Ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022, song các đại biểu Quốc hội cũng nêu ra hàng loạt khó khăn, thách thức cần giải pháp xử lý, khắc phục.
Hôm nay (28/10), Quốc hội tiếp tục dành cả ngày làm việc để thảo luận hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Các ý kiến phát biểu trong phiên làm việc ngày 27/10 đều đánh giá, báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 đã thể hiện 12 thành quả nổi bật, đồng thời cũng chỉ ra 10 hạn chế, tồn tại, khó khăn, 6 bài học kinh nghiệm, 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cho đại biểu cảm nhận đây là một báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh.
Các báo cáo đã phác họa nên một bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng đáng phấn khởi. Điểm sáng đáng lưu ý là tăng trưởng kinh tế đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra là 6-6,5%, 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt, kiểm soát được lạm phát, thành quả giảm nghèo được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, chính trị xã hội ổn định, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính vẫn được coi là một đột phá chiến lược quan trọng.
Kết quả trên thể hiện nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành đúng, kịp thời, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành đất nước thời gian qua của Nhà nước ta.
Tuy vậy, đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn nêu ra hàng loạt vấn đề cần giải pháp căn cơ, chiến lược xử lý, khắc phục.
Đó là tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, mà theo lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là số lượng không lớn so với tổng biên chế công chức, viên chức, nhưng lại tập trung vào 2 lĩnh vực giáo dục và y tế - là thách thức cho sự nghiệp công trực tiếp chăm lo nhân tố con người, vì sự tiến bộ, công bằng.
Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, trong khi chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng.
Một vấn đề khác là việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế để điều trị bệnh kéo dài từ đầu đại dịch đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải của ngành y tế. Cộng thêm tình hình thôi việc, chuyển việc của đội ngũ y, bác sĩ, công chức, viên chức của ngành này càng làm cho nhân dân lo lắng, đặt vấn đề nếu đại dịch quay trở lại hoặc một đại dịch nào đó xuất hiện nữa mà vấn đề này chưa giải quyết xong thì việc bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ ra sao!
Hay tình hình thiếu hụt xăng dầu ở khu vực phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước.
Đại biểu băn khoăn khi có sự quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 lại thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 - năm bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đại biểu cho rằng cần phải quyết liệt xử lý đối với từng dự án một, bởi cả nước trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu cũng thấy mắc, giải ngân rất chậm.
Đánh giá cao việc Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở, song không ít ý kiến phản ánh cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương rục rịch tăng thôi thì giá cả đã nhanh chân mà chạy trước rồi. Lương luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường.
Tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình họ. Cho nên, tăng lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.
Nhiều đại biểu cũng lưu ý một bộ phận người dân ngay trong đại dịch đã khó khăn thì nay vẫn chưa thoát nghèo, thoát khó. Giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, thị trường bất động sản còn rủi ro, thị trường tài chính, trái phiếu còn nhiều điều phải bàn...
Khẳng định yếu tố con người quyết định thành bại, đại biểu băn khoăn trước thực tế cán bộ năng lực hạn chế có tình trạng sợ không dám làm; cán bộ có năng lực nhưng ý thức tinh thần còn hạn chế thì có hiện tượng nghe ngóng, né tránh. Điều đó dẫn đến sự trì trệ, ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế năm 2023 tiếp tục sẽ là một năm xã hội có thể đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cao hơn nữa, có thể trở thành nguy cơ hơn cả năm 2022. Chính phủ đã đưa ra một số nhóm giải pháp để khắc phục nhiều vấn đề tồn tại trong năm 2022 và tạo đột phá cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế cho năm tiếp theo.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nhóm giải pháp đã nêu, song trong tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, trách nhiệm và kịp thời hơn trong từng nhóm giải pháp để kinh tế - xã hội phát triển bền vững hơn.
Cũng trong phiên thảo luận hôm qua, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ một số vấn đề. Thành viên Chính phủ cũng đã tham gia báo cáo, giải trình nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là gợi mở các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra. Tuy vậy, chắc chắn sẽ còn không ít nội dung được phân tích, đánh giá tại nghị trường hôm nay, khi mà danh sách đại biểu đăng ký phát biểu vẫn còn rất dài./.