Cấm bán rượu, bia trên internet liệu có khả thi?
VOV.VN - Dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được trình Quốc hội. Quy định cấm bán rượu, bia trên internet vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội, sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.
Nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì trung bình một nam giới Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất/năm vào năm 2010, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.
So với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: Tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo…
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh |
Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày, cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao; có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về quy định không được bán rượu, bia trên internet, đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia.
Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.
Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…), đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia.
“Ngoài ra, Ủy ban cũng cho rằng, dù theo phương án nào thì tính khả thi của quy định này phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh và cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mang lại hiệu quả thực tiễn”, bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.
Về quản lý rượu thủ công, cơ quan thẩm tra nhất trí với quy định của dự thảo Luật nhưng cần đảm bảo tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính với lộ trình hợp lý nhằm tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, có đăng ký nhãn hàng hóa, gắn với thương hiệu, làng nghề truyền thống, sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe.
Tuy vậy, quy định “Vận động các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh chấm dứt việc sản xuất rượu” không mang tính quy phạm nên sẽ khó phát huy được tác dụng trong điều chỉnh thực tiễn. Do vậy, Uỷ ban đề nghị Chính phủ cân nhắc theo hướng quy định cá nhân, tổ chức sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm và đăng ký việc sản xuất rượu với UBND cấp xã. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp./.
1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại