Cần giải pháp mạnh để ngăn chặn quan chức "chạy chuyến tàu vét"
VOV.VN - Hành vi tiêu cực trước khi “hạ cánh” của quan chức nào đó khó qua “tai mắt” cử tri. Vấn đề là cần giải pháp quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn.
Cử tri chưa yên tâm
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội đặt vấn đề về tình trạng một số quan chức nhà nước có những hành vi vụ lợi, vơ vét vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp quyết liệt để chặn đứng tình trạng này.
Theo đại biểu, hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm vì chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Do đó, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến |
“Quan tham” này có thể gia tăng các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành bất động sản tư và đề bạt bổ nhiệm không bình thường vào lúc “xế chiều” đưa hàng loạt cán bộ, công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi.
Cho rằng câu hỏi của đại biểu là chính đáng và thời gian vừa qua thực tiễn có xảy ra một số vi phạm, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết sẽ lưu ý ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng sắp tới. Trong áp dụng các giải pháp đồng bộ, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, ngành Thanh tra sẽ tiến hành thanh tra đột xuất.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Như Tiến, cần có giải pháp cụ thể hơn để tất cả quan chức có muốn cũng không thể thực hiện được. Ví dụ như quy định từ 3-6 tháng trước khi về hưu không được ký các quyết định bổ nhiệm đề bạt hoặc tuyển dụng hàng loạt người thân, không ký dự án lớn mà dự án thuộc nhiệm kỳ sau.
“Cùng với tăng cường thanh tra đột xuất, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và theo dõi sát hơn với những người sắp hết nhiệm kỳ thì cần phát huy tai mắt của cử tri, của quần chúng ở nơi cán bộ công tác”, đại biểu Tiến nêu ý kiến.
Nhấn mạnh dù cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ nhưng hiện nay vẫn còn nhức nhối trong đời sống, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định cũng cho rằng cử tri chưa yên tâm. Công tác này vào thời điểm cuối nhiệm kỳ cần được đẩy lên mức quyết liệt hơn nữa.
“Trong khi hàng triệu người vật lộn với mức lương vài triệu đồng nhưng nhiều cán bộ, thậm chí là lãnh đạo cấp thấp giàu lên nhanh chóng mà chưa có giải pháp xử lý mạnh mẽ”, ông Sơn băn khoăn.
Trách nhiệm đến cùng và dấu ấn cá nhân
Cho rằng những ý kiến trên là rất đúng và là lời cảnh báo về mặt tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ”, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng ngoài hiện tượng vi phạm thì còn có cán bộ buông xuôi trách nhiệm khi ở “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
“Nhiều cán bộ hết chức trách là không chịu trách nhiệm những vấn đề mà mình để lại thì điều đó rất nguy hiểm. Nếu bổ nhiệm một số lượng lớn hay đưa ra các biến thể của nó như phong “hàm” thì cuối cùng sẽ để lại những gánh nặng cho nhà nước, hậu quả rất khó giải quyết sau này về mặt tổ chức”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc |
Nhấn mạnh dấu ấn cá nhân của người lãnh đạo, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Hiến pháp đã quy định tôi rất hoan nghênh là tuyên thệ. Tôi thấy, tuyên thệ sâu sắc hơn, có trách nhiệm và danh dự của lãnh đạo nữa. Đương nhiên một người vô trách nhiệm, không có danh dự thì sẽ tự đào thải chính mình”.
Theo ông Quốc, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đến cùng, trong đó cần biết lắng nghe dư luận xã hội để điều chỉnh cho phù hợp. Bởi “bia đá, bia miệng là những yếu tố góp phần tích cực điều chỉnh nhận thức cũng như trách nhiệm xã hội”.
Qua đó, mỗi người tạo ý thức để lại dấu ấn tốt đẹp ở mỗi một nhiệm kỳ dù ở một cương vị nào.