Cần sớm hoàn thiện và có Luật biểu tình
VOV.VN - LS Nguyễn Hồng Bách cho rằng cần phải nhanh chóng soạn thảo, xây dựng và cho ban hành Luật biểu tình.
Ngày 17/2, tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc Bộ Tư pháp xin lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình.
Ở kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tức là cuối năm 2015). Chính Phủ giao đã cho Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật biểu tình từ năm 2011.
Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần xin lùi, xin hoãn của cơ quan có trách nhiệm trình dự án luật, đến nay đã qua kỳ họp thứ 10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ tiếp tục đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình. Giải thích cho lý do xin lùi trình dự án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Tháng 1 vừa qua, Bộ Công an đã trình Chính phủ dự án Luật này. Nhưng, các thành viên Chính phủ còn có ý kiến khác nhau xung quanh quy định có cho phép người nước ngoài được đề xuất biểu tình không? Người nước ngoài có được tham gia cuộc biểu tình do công dân Việt Nam đề xuất không?
Vì vậy, Chính phủ đã ra nghị quyết đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép lùi dự án Luật Biểu tình đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, đảm bảo quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 nên không thể tùy tiện. Với tư cách người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng ý lùi trình dự án Luật và nêu quan điểm, Chính phủ không trình được phải chịu trách nhiệm, báo cáo rõ lý do trước Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý cho lùi xây dựng dự án Luật Biểu tình.
Việc sớm ban hành Luật biểu tình nhằm cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động biểu tình là chính đáng và hợp lý trong thời điểm hiện nay. Phóng viên VOV phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Hội Luật sư Hà Nội về vấn đề này:
PV: Thưa ông, tại sao thời điểm này chúng ta cầnphải xây dựng Luật biểu tình?
LS Nguyễn Hồng Bách: Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người và quyền công dân. Vậy thì chúng ta phải tạo ra một cơ chế và các luật để các quyền con người, quyền công dân được thực thi.
Nếu pháp luật không quy định thì lấy gì làm hành lang pháp lý để người ta đi, để người ta thực hiện. Đến nay, chúng ta đã thấy thực tế có rất nhiều vấn đề phát sinh từ việc bạo động, tự phát mà Nhà nước đã phải trả giá. Ví như việc bồi thường ở Bình Dương, Hà Tĩnh và ở nhiều nơi khi xảy ra sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Vậy, trong trường hợp này, nếu công dân muốn bày tỏ sự phản đối về một chủ trương, đường lối, chính sách hoặc một hành vi nào đó thì cần phải làm gì? Người ta mong muốn được bãi công, đình công, biểu tình thì chúng ta lại chưa có quy định cụ thể trong luật để cho họ thực hiện. Như vậy, quyền con người, quyền công dân được quy định ở Hiến pháp rõ ràng đã không thể thực hiện được trên thực tế.
Chính vì thế, chúng ta cần phải nhanh chóng soạn thảo, xây dựng và cho ban hành luật để người dân có một hành lang pháp lý để họ thực hiện. Và họ thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Việc này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới mà chúng ta vẫn hàng ngày kêu gọi về mở cửa và nói với quốc tế, với thế giới rằng ở Việt Nam, vấn đề nhân quyền được thực hiện rất rõ ràng, minh bạch, công khai. Quyền con người đang được pháp luật của Nhà nước ta bảo vệ. Vậy thì, đây là một quá trình triển khai hành vi phát ngôn và triển khai Hiến pháp 2013. Do đó, sự cần thiết lúc này là: Đúng, ngay và rất cần.
PV: Ở nhiều nước có hành lang pháp lý cho biểu tình nhưng sau đó lại bị biến tướng thành bạo loạn. Liệu ở nước ta tình trạng này có thể xảy ra không và ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
LS Nguyễn Hồng Bách: Có một số nước thậm chí có những luồng cách mạng như mùa xuân Arab…rồi các vấn đề khác. Có một số quốc gia tại khu vực ASEAN hoặc khu vực châu Á cũng thế thôi. Họ có những hành vi biểu tình biến thành bạo loạn, thậm chí là lật đổ chính quyền. Điều đó phản ánh gì dưới góc độ xã hội và chính trị? Rõ ràng ở xã hội đó đang có vấn đề.
Vấn đề chỉ là giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào? Nếu các bên không thống nhất, các đảng phái, các nhóm không thống nhất thì nó sẽ trở thành cái gì đó lớn lao. Câu chuyện ở đây là công cụ quản lý xã hội bằng luật pháp của Nhà nước ta luôn luôn được đề cao. Nếu không có điều luật quy định thì làm gì có công cụ để quản lý.
Do đó, chúng ta đừng vì ngại rằng nếu có quy định thì có thể bạo loạn xã hội hoặc lật đổ chính quyền. Điều đó ở Việt Nam từ trước đến nay chúng ta thấy rõ rồi. Có quy định thì chúng ta loại trừ được những yếu tố rêu rao của các thế lực phản động, đồng thời, tạo được hành lang để người dân có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. Nó cũng là một góc độ phản biện xã hội đấy chứ!
Tôi cho rằng nhìn nhận rằng biểu tình có thể biến tướng thành bạo loạn như vậy là không đúng mà cần phải nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi, nhu cầu của người dân, của xã hội để giúp cho Nhà nước ta quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật.
PV: Xin cảm ơn Luật sư./.