Chất lượng Đại biểu Quốc hội phải được đặt lên hàng đầu
VOV.VN - Một số cử tri cho rằng không phải vì cơ cấu mà không quan tâm đến chất lượng mà chất lượng ĐBQH phải được đặt lên hàng đầu.
Cơ cấu đại biểu quốc hội là cần thiết nhưng chất lượng đại biểu quốc hội mới là điều quan trọng. Nhiều ý kiến cử tri cho rằng để cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới có thể lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu tham gia vào quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì ngay trong quá trình hiệp thương, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa 14.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. (Ảnh minh họa) |
Lâu nay, cái khó của các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đó là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu về năng lực, chất lượng đại biểu và yêu cầu đảm bảo cơ cấu, thành phần hợp lý. Vì Quốc hội là cơ quan dân cử nên cần đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp, giai cấp. Tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà không quan tâm đến yếu tố chất lượng. Bất cứ ai, thuộc khối nào, Nhà nước hay ngoài nhà nước, già hay trẻ đều phải đủ điều kiện theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, giải bài toán cơ cấu và chất lượng đại biểu cần có sự hài hòa và hợp lý, nhưng vẫn phải đặt chất lượng đại biểu lên hàng đầu: “Một mặt là tiêu chuẩn chất lượng, một mặt là cơ cấu. Thực ra cơ cấu cũng làm nên chất lượng nhưng vấn đề ở đây là liều lượng là mức hợp lý và sự hài hòa. Cơ cấu mà ép địa phương quá thì không nên. Ví dụ địa phương người ta chỉ có 5-6 người đủ tiêu chuẩn thôi nhưng ép hoặc Trung ương giới thiệu về nhiều quá thì khó cho họ. Cho nên, Hội đồng bầu cử Quốc gia và những người có trách nhiệm phải thấu hiểu vấn đề này để tìm cách tháo gỡ. Đương nhiên, chất lượng đại biểu phải đặt lên hàng đầu. Mà muốn có chất lượng thì phải có tranh cử. Qua tranh cử thì nhân dân chọn được những người xứng đáng, chứ bây giờ tranh cử thì ít quá”.
Theo ông Nghiêm Sơn Hà, ở Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, bầu cử là biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất của dân chủ nên phải tạo điều kiện cho người dân có quyền và có cơ hội thực thi quyền lựa chọn lãnh đạo cũng như những người đại diện có thể tác động đến các chính sách quan trọng trong đời sống của họ. Các cuộc bầu cử được tổ chức thường kỳ là nhằm bảo đảm những nhà lãnh đạo, những người đại biểu phải là những người được sự tín nhiệm của đa số dân chúng. Vì vậy, ông Nghiêm Sơn Hà mong muốn cuộc bầu cử sắp tới phải dân chủ hơn, phải là người có năng lực, có tính phản biện cao, có trình độ đích thực thì hãy vào Quốc hội.
Công bố chi tiết số lượng ĐBQH khóa XIV được bầu ở 63 tỉnh, thành
Nêu thực trạng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, một số đại biểu Quốc hội thường bỏ họp hoặc chưa quan tâm đến những vấn đề bàn thảo trên nghị trường, không lắng nghe ý kiến của cử tri mà tiếp xúc cử tri chỉ là lấy lệ cho có, ông Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ quản trị tài vụ, Văn phòng Quốc hội đề nghị cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới phải lựa chọn cho được những đại biểu đủ chất lượng tham gia Quốc hội. Bầu cử phải thật sự dân chủ, không o ép. Cơ bản nhất là chọn đầu vào, tìm được người xứng đáng để người ta gánh vác nhiệm vụ chung của Quốc hội.
Cử tri cho rằng để lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng vào danh sách bầu cử đòi hỏi Hội đồng bầu cử các cấp và toàn thể cử tri thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm và đặc biệt cần hết sức công tâm, khách quan trong nhìn nhận và đánh giá từng ứng cử viên trong quá trình chuẩn bị cho ngày bầu cử./.