Mỹ trang bị cho Ukraine hệ thống mới giúp đánh lừa phi công đối phương
VOV.VN - Mỹ vừa cung cấp cho Ukraine “bộ phát tín hiệu đe dọa” (Threat Emitter) hay hệ thống phát tín hiệu radar giả để gây nhầm lẫn cho các phi công của đối phương, nhằm giúp Ukraine bảo vệ kho dự trữ tên lửa phòng không vốn đang dần cạn kiệt của nước này.
Hơn 10 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, không quân Nga, dù vượt trội về số lượng và máy bay chiến đấu so với không quân Ukraine, vẫn chưa giành được quyền kiểm soát hoàn toàn không phận. Đối với Ukraine, trong cuộc chiến trên bầu trời, ưu tiên không phải là giành ưu thế trên không mà là ngăn chặn các cuộc tấn công của chiến đấu cơ Nga bằng cách sử dụng một loạt hệ thống phòng không.
Ukraine triển khai các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa, như S-300 và Buk-M1, buộc các máy bay chiến đấu của Nga phải bay ở độ cao dưới 4.500 m, dễ rơi vào tầm bắn của hệ thống phòng không di động. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, kho dự trữ tên lửa đất đối không (SAM) và các bệ phóng SAM đang suy giảm với mức độ nghiêm trọng, có khả năng gây ra những vấn đề lớn cho quân đội Ukraine.
Ukraine đang mất hệ thống S-300 với tốc độ chóng mặt
Theo Oryx, một trang blog chuyên theo dõi thiệt hại chiến tranh, Ukraine đã mất khoảng 36 bệ phóng S-300 kể từ khi xung đột nổ ra từ cuối tháng 2. Một báo cáo hồi tháng 7 cho biết, lực lượng phòng không đã mất từ 3 đến 4 bệ phóng mỗi tuần.
Chưa kể trong những tháng gần đây, quân đội Nga đã dồn dập tiến hành các cuộc tập kích bằng tên lửa và đạn pháo làm áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine, đồng thời làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa đất đối không của nước này với tốc độ chóng mặt. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, Kiev đang thảo luận với các quốc gia khác để bổ sung nguồn cung cấp tên lửa S-300.
“S-300 hoạt động rất tốt. Vì chúng không được sản xuất tại Ukraine nên chúng tôi chỉ có thể sử dụng kho dự trữ tên lửa này. Chúng tôi đang đàm phán với bộ trưởng quốc phòng các nước đối tác để gia tăng nguồn cung S-300 từ kho vũ khí của họ”, ông Reznikov nói.
Một số nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ cung cấp bộ phát tín hiệu đe dọa cho Ukraine nhằm mục đích giúp Kiev củng cố hệ thống phòng không cho đến khi Kiev tìm được đủ nguồn cung cấp hệ thống S-300.
Vai trò của Threat Emitter
Threat Emitter phát ra tín hiệu vô tuyến tương tự như radar phòng không nhưng lại không có hệ thống xử lý tín hiệu. Quân đội thường sử dụng nó để huấn luyện cho các phi công của họ cách xác định và phản ứng với các mối đe dọa trong tình huống chiến đấu giả định.
Trong các tình huống mô phỏng, phi công được huấn luyện sẽ tìm hiểu cách cảm biến mà họ đang sử dụng nhận biết mối đe dọa thực sự, chẳng hạn như máy bay và tên lửa đối phương nằm ngoài tầm quan sát. Họ sẽ sử dụng các dữ liệu mà cảm biến cung cấp để lập kế hoạch ứng phó một cách an toàn với những loại vũ khí phòng không khác nhau mà họ đối mặt. Khi phát hiện mối đe dọa, phi công có thể lựa chọn tuyến đường bay mới hoặc chuyển hướng cuộc tấn công.
Khi triển khai trên chiến trường, Threat Emitter có thể đánh lừa phi công chiến đấu của đối phương khiến họ không thể xác định đâu là mục tiêu thực sự và đâu là mục tiêu ảo, đồng thời khiến các cảm biến của đối phương hoạt động kém hiệu quả. Aviation Week dẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Mỹ Charles Q. Brown Jr cho biết: “Threat Emitter được chế tạo để hoạt động bên trong nước Mỹ, nhưng đã được bàn giao cho Ukraine. Chúng có thể sao chép tín hiệu của máy bay và tên lửa đất đối không, là một cách thức sáng tạo và rẻ tiền để gia tăng thách thức cho phi công Nga”.
Một trong những hệ thống như vậy là Joint Threat Emitter do tập đoàn Northrop Grumman phát triển. Hệ thống bao gồm một đơn vị chỉ huy do các binh sỹ điều khiển và các bộ phát tín hiệu đe dọa bằng radar gắn trên xe tải. Mỗi đơn vị chỉ huy có thể kiểm soát tối đa 12 bộ phát tín hiệu đe dọa và mỗi bộ phát có thể mô phỏng đồng thời 6 sáu mối đe dọa.
Vẫn chưa rõ các bộ phát tín hiệu đe dọa có thể sao chép mối đe dọa nào trên chiến trường Ukraine. Một số báo cáo cho rằng, nó có thể sao chép tín hiệu của radar cảnh giới di động 3 chiều 36D6M1-1. Loại radar này được thiết kế để tích hợp vào các hệ thống phòng không tự động hoặc có người điều khiển, có nhiệm vụ chính là phát hiện và theo dõi các mục tiêu tầm thấp, đồng thời cũng có thể được dùng để kiểm soát không lưu quân sự và dân sự.
Tại Ukraine, việc sử dụng Threat Emitter sẽ giúp quân đội Ukraine phát ra những tín hiệu phòng không trên khắp chiến trường, để che giấu vị trí của các hệ thống phòng thủ thực sự.
Việc sử dụng bộ phát mối đe dọa được coi là một chiến thuật đánh lừa. Chiến thuật này đã được quân đội Nga và Ukraine sử dụng để đối phó với nhau kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2. Các bên đã triển khai mô hình của những hệ thống phòng thủ như HIMARS và S-300 để gây nhầm lẫn cho đối phương./.