Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước

VOV.VN - Bình Phước cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua đại dịch Covid-19.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Phước, sáng 8/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước.

Phát biểu tai buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Phước cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về thuế, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Phước tuy là vùng đất được hình thành sau so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng là tỉnh có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước đã luôn nêu cao tinh thần đấu tranh quật khởi, không sợ hy sinh, gian khổ, có nhiều đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng dân tộc, với các địa danh không thể nào quên như Phú Riềng Đỏ - nơi gieo mầm hạt giống đỏ của phong trào Cộng sản ở Đông Nam Bộ; Căn cứ Tà Thiết - nơi thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; sóc Bom Bo - nơi trở thành biểu tượng của phong trào góp gạo nuôi bộ đội.

Về vị trí địa lý, Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, có đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đồng thời, là địa bàn trung chuyển giữa miền Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên; khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp.

Đây là những điều kiện thuận lợi để Bình Phước có thể phát triển cả về thương mại, xuất khẩu và nông nghiệp với các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, như: cao su, điều, cà phê, các loại cây ăn trái. Có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Núi Bà Rá - Thác Mơ cùng những địa danh, di tích, chứng tích lịch sử về mảnh đất anh hùng như: Sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết đã tạo nên nét văn hóa phong phú, đặc sắc, riêng có của Bình Phước, rất hấp dẫn khách du lịch đến thăm quan.

Những lợi thế này là tiềm lực lớn mà Bình Phước có thể tận dụng phát huy để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 6 tháng đầu năm nay, cơ cấu kinh tế của Bình Phước đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, quy mô nền kinh tế đã tăng 1,64 lần, GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng, tăng gấp 1,54 lần, cao hơn bình quân của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách chênh lệch giữa đồng bào dân tộc, miền núi. Thu ngân sách của tỉnh cũng có bước tiến vượt bậc với tốc độ tăng thu bình quân đạt 22%; cơ cấu chi hợp lý hơn khi chi đầu tư phát triển tăng, chi thường xuyên năm sau thấp hơn năm trước. Đến nay tỉnh đã thu hút được 800 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 50.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần về số dự án, hơn 3 lần về số vốn đăng ký và 146 dự án FDI.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới với số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, đặc biệt là thời gian qua, không có ai bị nhiễm bệnh Covid-19. Các thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Quy mô giáo dục được mở rộng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng cao trình độ. Về lĩnh vực này, tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Công tác xây dựng Đảng được Bình Phước quan tâm, chú trọng, tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương với mục tiêu “4 giảm, 4 tăng”, kết quả sau 2 năm thực hiện, bộ máy đã tinh gọn hơn. Công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Công tác chỉ đạo Đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm đúng quy định. Đến nay đã có 100% tổ chức cơ sở đảng, 6/21 đảng bộ cấp huyện và tương đương tổ chức Đại hội; tỉnh cần triển khai sâu rộng và tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý đối với các dự thảo Văn kiện Trung ương”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Phước về những kết quả như vừa nêu. Nhất trí với những nhìn nhận thẳng thắn của Tỉnh uỷ về một số khó khăn, hạn chế đã được nêu ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tỉnh làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi suy thoái, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tỉnh Bình Phước cần chú ý Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là kim chỉ nam trong hoạt động này. Nâng cao chất lượng các văn kiện, bám sát định hướng chung của Đảng, sát với thực tiễn, chứ không nêu khẩu hiệu, chung chung và phải có tính khả thi; cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Bình Phước hiện có 16 cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ của tỉnh, đây là điểm sáng của Bình Phước về cơ cấu nam, nữ trong đội ngũ lãnh đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo: “Trước mắt, Bình Phước cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về thuế, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đổi mới tư duy, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh".

Đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật; sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, giá trị gia tăng lớn. Tăng cường đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chú trọng chế biến sâu trong sản xuất công nghiệp. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Đặc biệt, Bình Phước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Thúc đẩy liên kết vùng để có sự hợp tác hiệu quả hơn nữa với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, Bình Phước cần phát huy lợi thế về cửa khẩu với Campuchia, vị trí cầu nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để phát triển thương mại, dịch vụ, logistics.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tỉnh Bình Phước cần tập trung bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, đặc biệt  là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng quan tâm hơn nữa đến việc phát triển văn hóa, thể thao, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các cơ quan cũng đã có ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tần.

Nhân dịp 27/7, nhằm tri ân với những người có công với đất nước, chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Tần; thương binh 1/4, ông Nguyễn Viết Mấu ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên