ĐBQH: Đang tồn tại nhiều ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, sự cố gây lãng phí
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực, tổ chức thực hiện.
Trong phiên làm việc tại tổ chiều 1/11, cho ý kiến đối với Dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật này.
Nhận định, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã cụ thể hóa rất nhiều quy định tại Điều 13 của Luật Quốc phòng. Thậm chí có thể thấy dường như Luật Phòng thủ dân sự là văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Điều 13 của Luật Quốc phòng, đại biểu Phạm Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng “xét về hình thức là không hợp lý vì luật không hướng dẫn luật”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hợp lý của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thống nhất một tổ chức chung chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự của quốc gia
Về quy định hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp trung ương và địa phương về phòng thủ dân sự, đại biểu Xuân cho rằng, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp trung ương và địa phương là rất cần thiết và phù hợp khi Luật phòng thủ dân sự được ban hành và có hiệu lực.
Hiện nay trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại, vì thế cũng tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các tổ chức chỉ đạo nêu trên sẽ có nhiều sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ thành viên nếu có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, bởi các tổ chức chỉ đạo nêu trên đều vào cuộc và tổ chức việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Như vậy sẽ gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, dễ ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức khắc phục thảm họa, sự cố.
Đại biểu Xuân cũng cho rằng, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực, tổ chức thực hiện. Vì vậy, ở cấp quốc gia nên hợp nhất ba tổ chức phối hợp liên ngành thành một tổ chức để chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự của quốc gia là phù hợp.
Tương tự, cấp bộ, ngành và địa phương cũng cần hợp nhất Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy phòng thủ dân sự của Bộ, ngành Trung ương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo sự thống nhất từ Trung ương, bộ, ngành, địa phương.
Phải coi chi cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự là chi thường xuyên
Quan tâm tới quy định về thành lập cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, nhưng không thấy trong dự thảo quy định cơ quan nào là cơ quan thành lập ra cơ quan này, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Khoản 3 Điều 11 có đề cập đến cơ quan thường trực về phòng thủ dân sự quốc gia nhưng lực lượng nòng cốt cho cơ quan này là bộ nào, ngành nào thì không có, “giống như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hiện nay có cơ quan chủ trì thường trực là Bộ Giao thông vận tải”, đại biểu dẫn chứng.
Đại biểu cho rằng, nên chăng, quy định cơ quan chủ trì là Bộ Quốc phòng, bởi lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ phối hợp với công an xã và các lực lượng dân sự khác. Mà dân quân tự vệ là một lực lượng do Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức và hướng dẫn, chủ trì hoạt động và cao hơn nữa là các phương tiện, công cụ và các cơ quan chuyên ngành như Cục cứu hộ, cứu nạn.
Nhấn mạnh, cần phải xác định rõ hơn nữa trong luật: cơ quan thường trực về phòng thủ dân sự quốc gia gồm những cơ quan nào, lực lượng nòng cốt là bộ nào, cơ quan này do ai thành lập, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Thủ tướng chịu trách nhiệm thành lập cơ quan này. Tương tự, cơ quan phòng thủ dân sự cấp tỉnh thì do Chủ tịch tỉnh thành lập, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì là nòng cốt.
Đặc biệt, theo đại biểu Lê Thanh Vân, cũng cần có rà soát để quy định về nguồn lực cho hợp lý. Phải coi chi cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự là chi thường xuyên, có thể dự toán, khi không dùng đến cần có hình thức xử lý. Cùng với đó, theo đại biểu, chúng ta cần rút ra bài học khi đại dịch bùng phát lớn như vừa qua, phải lấy từ nguồn dự phòng, rồi Thủ tướng phải phát động gây quỹ để mua vaccine. Đấy là những bài học thực tiễn chúng ta phải lường trước, đưa vào luật để cho sau này./.