Đồng bào dân tộc có được dùng vũ khí thô sơ tạo “tiếng nổ văn hóa"?
VOV.VN -Đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về việc có nên cho phép sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ vào mục đích văn hoá.
Thảo luận về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chiều 2/6, đại biểu Giang A Chu (Yên Bái) đề nghị cần nghiên cứu quy định về việc sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ được người dân vào mục đích văn hoá. Bởi thực tế trong đời sống, đồng bào dân tộc miền núi còn sử dụng “tiếng nổ” trong phong tục tập quán.
Đại biểu lấy ví dụ trong đám hiếu của người có uy tín hay khi có việc lớn thì người dân miền núi hay dùng tiếng súng để báo hiệu.
Đại biểu Giàng A Chu phát biểu trên Hội trường chiều 2/6 |
“Nếu không quy định trong luật thì sau này thi hành luật anh em sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ vào mục đích văn hoá đều vi phạm pháp luật” – đại biểu đặt vấn đề và đề nghị quy định theo hướng cho phép sử dụng nhưng cụ thể đối tượng được sử dụng như công an viên, dân quân tự vệ... và chịu trách nhiệm về sự an toàn, thực hiện xong phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết, đồng bào băn khoăn về việc sử dụng vũ khí thô sơ trong hoạt động văn hoá có bị coi là vi phạm pháp luật.
Tranh luận lại các ý kiến trên liên quan “tiếng nổ văn hoá”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án luật thì vấn đề này được tính toán, trao đổi kỹ.
Theo đại biểu Hồng, nước ta với nhiều dân tộc có những phong tục tập quán tốt đẹp cần giữ gìn và phát triển, tuy nhiên, cũng có những tập tục cần thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên sự thay đổi đó có ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm người dân nhưng cần chấp nhận vì lợi ích lớn hơn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tranh luận lại ý kiến của đại biểu Giàng A Chu |
“Cách đây 20 năm tiếng pháo báo hiệu mùa xuân tới, báo sự may mắn đã ăn sâu vào tiềm thức lâu đời, truyền thống nhưng vì đảm bảo an ninh trật tự nên ta đã cấm. Lúc đầu có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có thể thấy Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh trật tự” – ông Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng và đề nghị vận động đồng bào thực hiện quy định mới của Luật, cũng như tạo ra cách thức nào đấy phù hợp với phong tục của đồng bào dân tộc.
Liên quan đến quy định cấm, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, công tác bảo đảm an ninh, trật tự hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, nổi lên là việc tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án, chống người thi hành công vụ, tình hình diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Do đó, Nhà nước không nên khuyến khích cá nhân sở hữu những loại phương tiện, công cụ mà thuộc tính của nó luôn luôn nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ |
Còn đối với vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo, do tính chất đặc thù văn hóa, phong tục tập quán vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số, hay một số loại vũ khí thô sơ là tài sản văn hóa, tâm linh của đồng bào, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt, quy định cấm sở hữu đối với loại vũ khí này sẽ không bảo đảm tính khả thi và không được sự đồng thuận của nhân dân.
“Vì vậy, dự thảo Luật không cấm cá nhân sở hữu đối với vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo nhưng phải thực hiện việc khai báo để quản lý theo quy định tại Điều 31 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý” – ông Võ Trọng Việt nói./.
Thượng tướng Lê Quý Vương: Có tình huống buộc phải nổ súng