Quốc hội chưa "ngã ngũ" về hôn nhân đồng giới, mang thai hộ

VOV.VN -Theo đại biểu, việc chung sống của những người đồng giới, vấn đề mang thai hộ cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII, chiều nay (27/5), Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo này. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Qua gần 14 năm thi hành, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã có tác động tích cực đối với đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật hôn nhân và gia đình đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như vấn đề nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc chung sống của những người đồng giới, vấn đề mang thai hộ và nhiều vấn đề khác cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn Thanh Hóa nêu rõ: “Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có một tập quán riêng, đó là những quy tắc quy định xử sự của từng cộng đồng và những tập quán này mang tính ràng buộc. Cộng đồng rất cao đồng bào dân tộc thiểu số, coi những phong tục tập quán này không kém các quy định của pháp luật. Nếu thực hiện tốt các quy tắc xử sự mang tính tập quán này trong hôn nhân và gia đình, cũng là góp phần thực hiện tốt luật pháp của Nhà nước”.

Về quy định mang thai hộ, nhiều đại biểu nhận định thực tiễn trong xã hội, nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con và mong muốn quyền được làm cha mẹ. Mặc dù hiện nay ở nước ta có một số cơ sở y tế có thể thực hiện được kỹ thuật này, nhưng Dự thảo luật cần quy định chặt chẽ để tránh việc lợi dụng, thương mại hóa vấn đề này.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, đoàn Đắk Nông đề nghị: “Dự thảo mới đặt vấn đề chủ quan của những cặp vợ chồng mong muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống, nhưng lại nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết về người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chịu hậu quả pháp lý và xã hội chính là đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế đứa trẻ sinh ra không thể gọi người mang thai mình là người mang thai hộ mà phải gọi là mẹ? Như vậy trong hồ sơ pháp lý cá nhân, phần khai về người mẹ là mẹ ruột, mẹ nuôi còn có thêm mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này rất khó xử lý và suy cho cùng là không mang lại ý nghĩa tích cực, ít nhất là trong tình hình kinh tế xã hội như hiện nay”.

Về quan hệ giữa vợ và chồng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu và đại biểu Khúc Thị Duyền đoàn Thái Bình cho rằng: Việc ghi nhận quyền ly thân và chế độ tài sản theo thỏa thuận là những dự liệu phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình. Đây là một bước tiến mới trong việc ghi nhận và bảo đảm các quyền về nhân thân và tài sản của mỗi bên vợ chồng. Tuy nhiên, để Dự án Luật hoàn thiện hơn, Ban soạn thảo cần phải xem xét và chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp.

Trước đó, sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên