“Quyền lực Nhà nước không phải nằm ở trên cao”
VOV.VN -Nhấn mạnh để đảm bảo hợp Hiến và quyền làm chủ của nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không bỏ HĐND cấp phường.
Đề nghị vẫn tổ chức HĐND cấp phường
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương được quy định trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong buổi làm việc sáng 16/4. Dự thảo Luật hiện vẫn đang thể hiện 2 phương án để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Theo đó, phương án 1 quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Phương án 2 quy định ở phường chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Đại biểu Nguyễn Đình Bích (Phó Chủ tịch HĐND Hải Phòng) nhất trí phương án 1 vì thể hiện rõ ưu điểm, phù hợp với Hiến pháp 2013 quy định chính quyền địa phương tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính; là chính quyền của dân, do dân, vì dân, được người dân lựa chọn ủy quyền thông qua bầu ra cơ quan đại diện ở tất cả các đơn vị hành chính, ở các cấp chính quyền.
“Quyền lực Nhà nước trong một thiết chế dân chủ nằm trong tay nhân dân chứ không phải nằm ở trên cao, không phải trên bổ xuống mà dưới ủy quyền lên qua bầu cử”, đại biểu nêu quan điểm.
Nêu thực tế công tác ở địa phương, đại biểu Nguyễn Đình Bích nhấn mạnh các nghị quyết của cấp ủy có giá trị thực hiện trước hết với các đảng viên, nhưng khi được HĐND thể chế thành Nghị quyết thì có tính hợp pháp rất cao để mọi người dân thực hiện. Do đó, việc vẫn tổ chức HĐND là quan trọng.
Cũng theo đại biểu, việc không tổ chức HĐND phường thì không thể nói chính quyền địa phương đó mà là chính quyền của quận đặt tại phường và những người được bổ nhiệm trước hết chịu trách nhiệm trước cấp trên, chứ không chịu trách nhiệm trước người ủy quyền cho mình.
Đại biểu Danh Út- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhất trí với phương án 1 vì cho rằng “phương án 2 không có ưu điểm gì. Bỏ HĐND không mang lợi ích gì cho quốc gia, làm đảo lộn bộ máy hành chính, không đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân”.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang), phải làm rõ điểm giống nhau, khác nhau của từng mô hình ở các địa bàn nông thôn, hải đảo, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để chọn phương án phù hợp, nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động HĐND trong thời gian tới.
“Chưa có phương án nào hoàn hảo. Không thể nói bỏ đi HĐND cấp quận, phường sẽ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn. Còn với phương án 1, nếu không khắc phục được bất cập, hạn chế hiện nay thì cũng không bảo đảm được phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của HĐND, nhất là ở cấp huyện, xã còn mang tính hình thức rất nhiều. Vấn đề này cần phải được khắc phục trong luật này”, đại biểu nêu ý kiến.
Luật phải làm rõ chức năng của HĐND và UBND
Đại biểu Nguyễn Đình Bích (đoàn Hải Phòng) đề nghị dự thảo luật làm rõ chức năng của HĐND và UBND vì lâu nay hiểu không chính xác dẫn đến nhầm lẫn trong tổ chức thực hiện.
“HĐND có chức năng quyết định các vấn đề của địa phương là đúng nhưng chưa đủ, vì HĐND còn quyết định tổ chức thực hiện những quyết định của cấp trên liên quan địa phương mình để sát thực tiễn, ví dụ HĐND quyết định mức phí, lệ phí trong khung cấp trên quy định. HĐND còn có chức năng giám sát và cần có chức năng phán xét kết quả thực hiện pháp luật ở địa phương và nghị quyết của mình, thông qua lấy phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm và cái đang thiếu là quyền khen thưởng”, đại biểu nhấn mạnh.
Trong khi đó, chức năng của UBND là tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND về các vấn đề ở địa phương; tổ chức thực hiện quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của pháp luật. Hai chức năng này thể hiện rất rõ trách nhiệm của UBND là cơ quan do HĐND bầu ra, chấp hành và thực hiện những gì HĐND quyết và giao thực hiện. UBND tạo điều kiện cho HĐND tiến hành hoạt động giám sát và có trách nhiệm tổ chức thực hiện các kiến nghị qua giám sát của của HĐND.
“Luật cần quy đinh rõ chức năng nhiệm vụ thì mới tránh được sự lộn xộn, hoạt động đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”, đại biểu Nguyễn Đình Bích nêu ý kiến.
Cho rằng số lượng đại biểu HĐND đông nhưng chưa mạnh, đại biểu Nguyễn Đình Bích nêu quan điểm: “Số lượng đông nhưng khó thu hút người thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta lại thu hút nhiều đại biểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tức vừa ở cơ quan của ủy ban vừa tham gia đại biểu Hội đồng và chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Do đó đề nghị đại biểu có thể rút xuống tới mức bằng 2/3 so với hiện nay, không nên đông mà phải mạnh. Tỷ lệ đại biểu chuyên trách nâng lên để cơ cấu vào thường trực, các ban”.
Chưa rõ phân quyền, phân cấp
Đại biểu Lê Thị Phương Hoa (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn về quy định chính quyền địa phương được đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm.
“Khoản 4 điều 11 của dự thảo quy định cơ quan Nhà nước cấp trên giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương nhưng vẫn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp dưới. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có khái niệm pháp lý, chưa có quy định về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, nên chưa rõ ai được phân quyền ai được phân cấp, điều kiện, mức độ, phạm vi phân quyền, phân cấp. Người phân quyền, phân cấp có tiếp tục được phân quyền, phân cấp nữa hay không?”, đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu, trong dự thảo, nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của các chính quyền địa phương các cấp cũng chưa thể hiện rõ đâu là việc được phân quyền, phân cấp. “Đây là vấn đề đặc biệt khó khăn trong kiểm soát tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và đề nghị phải làm rõ nội dung này. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng là không xác định rõ trách nhiệm, dồn việc, dồn trách nhiệm cho cấp dưới, quan liêu, buông lỏng quản lý, hoặc tình trạng tùy tiện can thiệp vào các công việc”
Về cơ chế kiểm soát đối với chính quyền địa phương, dự thảo quy định cơ quan Nhà nước cấp trên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp dưới.
Theo đại biểu Lê Thị Phương Hoa, quy định trên dễn đến hệ quả: Chỉ có chủ thể phân cấp mới có quyền hướng dẫn, kiểm tra đối với cấp được phân cấp. Có những việc Chính phủ phân cấp trực tiếp đến cấp xã thì Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra đến cấp xã bằng cách nào? Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của cấp dưới chỉ chịu sự hướng dẫn, kiểm tra mà không chịu sự giám sát của cấp trên. Như vậy sẽ bỏ qua một phần trong kiểm soát quyền lực nhà nước, HĐND không thể thực hiện được chức năng giám sát của mình đối với chính quyền./.