“Rút kinh nghiệm sâu sắc về thẩm tra nhân sự khi bầu vào Quốc hội“

VOV.VN - Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh điều này khi trả lời liên quan đến việc nhiều đại biểu Quốc hội khoá XIV bị cho thôi nhiệm vụ.

Sáng nay (19/5), tại Hà Nội đã diễn ra họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Theo đó, kỳ họp lần này sẽ khai mạc vào ngày 21/5 và dự kiến bế mạc vào 15/6.

Liên quan đến công tác nhân sự, phóng viên có đặt câu hỏi về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh bị Ban Bí thư kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng nhưng tại sao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bà Thanh thôi nhiệm vụ mà không trình Quốc hội bãi nhiệm?

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Ban Bí thư có đề nghị Đảng đoàn Quốc hội xem xét bãi nhiệm theo quy định. Tuy nhiên, cùng ngày bà Thanh có đơn xin thôi nhiệm vụ nên sau khi được báo cáo, Ban Bí thư cân nhắc nhiều mặt và quyết định đồng ý tiếp nhận đơn của bà Thanh.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Trong thời gian Quốc hội không họp thì thẩm quyền cho thôi nhiệm vụ đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

“Ai vi phạm đến đâu thì xử lý nghiêm, quá trình xử lý chấp hành nghiêm quy định cũng như về quản lý cán bộ, không có vùng cấm” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Qua các trường hợp đại biểu Quốc hội khoá XIV bị cho thôi nhiệm vụ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc về việc thẩm tra nhân sự khi tiến hành bầu cử trong nhiệm kỳ tới.

15 phiên họp của Quốc hội sẽ được tường thuật trực tiếp

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Các dự án luật được xem xét thông qua gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp).

Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng được cải tiến nhắm tăng cường tính tranh luận khi mỗi đại biểu có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu
Cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu

VOV.VN - Thường vụ Quốc hội cho thôi ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Còn hai ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền này vì bị kết án.

Cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu

Cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh, ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu

VOV.VN - Thường vụ Quốc hội cho thôi ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Còn hai ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền này vì bị kết án.