Sửa quy định để thêm nguồn cán bộ làm Thẩm phán toà án tối cao
VOV.VN - Chánh án Nguyễn Hoà Bình vừa có Tờ trình đề nghị Quốc hội sửa quy định để thêm nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Theo Tờ trình đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về thi hành Luật Tổ chức TAND, việc sửa đổi nghị quyết nhằm bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo TANDTC. Bởi, thực hiện theo quy định hiện hành thì sắp tới sẽ thiếu nguồn cán bộ đủ điều kiện có thể đề nghị bổ nhiệm.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình trình bày Tờ trình trước Quốc hội |
Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, số lượng thẩm phán TANDTC không quá 17 người, số Thẩm phán TANDTC còn lại trước đó được chuyển thành Thẩm phán cao cấp theo quy định của Nghị quyết số 81.
Luật hiện hành cũng quy định nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC gồm người đang công tác tại các tòa án và người không công tác tại các tòa án. Từ tháng 6/2015 đến nay, TANDTC đã trình Quốc hội phê chuẩn và trình Chủ tịch nước bổ nhiệm 17 Thẩm phán TANDTC, trong đó có 13 người đang công tác tại các Tòa án và 4 người không công tác trong ngành tòa án. Tuy nhiên, tính đến năm 2021 sẽ có 8 người nghỉ hưu và cần được bổ sung song khó khăn về nguồn cán bộ.
Theo đó, nguồn cán bộ là những người công tác trong ngành Tòa án phần lớn đã nghỉ hưu, lớn tuổi, không còn trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, một số không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khác để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC như trình độ, năng lực, tín nhiệm...
Các Thẩm phán cao cấp bổ nhiệm từ tháng 1/2017 trở đi phải đến hết tháng 1/2022 mới đủ điều kiện 5 năm để bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC theo quy định của Nghị quyết 81.
Với những lý do trên, Chánh án TANDTC đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81: “Từ nay đến ngày 01/02/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân tối cao trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn điều kiện theo luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.
Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – cơ quan thẩm tra tờ trình cũng bày tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết TANDTC chưa đề cập đến khó khăn trong tìm nguồn cán bộ là những người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật… theo quy định trong Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra, chiều 6/6 |
Một số ý kiến tuy tán thành việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 như trên, nhưng do vị trí, vai trò quan trọng của Thẩm phán TANDTC nên để bảo đảm chất lượng thì cần kèm theo điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC là: phải có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là 30 tháng hoặc 36 tháng.
Trước băn khoăn tại sao không tính đến nguồn cán bộ ở bên ngoài toà án như luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên..., phát biểu tại tổ chiều cùng ngày, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, luật cho phép nhưng để xác định nguồn bên ngoài là không dễ.
Luật các nước khác với nước ta ở chỗ, họ bắt buộc có thành viên Hội đồng không phải là thẩm phán để tăng tính phản biện song khống chế số lượng không quá 2 hoặc 3. Bởi đây là hội đồng của các thẩm phán tham gia xét xử chứ không phải hội đồng của các nhà khoa học. Luật của ta có cho phép nhưng không bắt buộc.
“Chúng tôi tập trung báo cáo nguồn là số đông tạo ra Hội đồng thẩm phán trong tương lai, tức số cán bộ trong ngành toà án do chúng tôi quản lý, còn nguồn bên ngoài khó nắm rõ. Tuy nhiên, khi đề nghị bổ nhiệm sẽ tính đến nguồn bên ngoài và báo cáo về cụ thể về cán bộ đó” – ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với sự cần thiết sửa Nghị quyết 81 để tạo thêm nguồn cán bộ làm Thẩm phán TANDTC thời gian tới./.
Ông Đào Việt Trung được cử tham gia Hội đồng tuyển chọn thẩm phán