Thanh tra khó có thể phát hiện tham nhũng
VOV.VN -Thanh tra là tai mắt của thủ trưởng mà lại đi “khui” lỗi của thủ trưởng ra để rồi phải chịu trách nhiệm... là điều không thể.
Mới đây, báo cáo trong buổi làm việc của Chủ tịch nước với Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã thừa nhận: “Công tác phòng, chống tham nhũng chưa tạo được chuyển biến đồng bộ, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa cao”.
Về việc có nên giao trách nhiệm phát hiện, xử lý tham nhũng cho Thanh tra hay không, dùng thanh tra vào để làm gì… phóng viên VOV.VN phỏng vấn bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
PV: Thưa bà, nhiều người trông đợi vào vai trò phát hiện, chống tham nhũng của cơ quan thanh tra. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Bà Lê Thị Nga: Thanh tra là công cụ quản lý của Nhà nước, là tai mắt của thủ trưởng. Cho nên, chính phủ và cơ quan hành pháp phải có thanh tra để phục vụ quản lý. Quản lý Nhà nước chắc chắn phải có thanh tra, kiểm tra. Dùng thanh tra là tai mắt của thủ trưởng, giúp thủ trưởng là đúng, nhưng dùng thanh tra để chống tham nhũng, để tìm những sai phạm của thủ trưởng ở bất kỳ cơ quan quản lý nào là điều khó. Luật pháp qui định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong khi thanh tra càng tìm ra sai phạm, tham nhũng thì thủ trưởng của mình lại phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Cách làm này rất dở ở chỗ, nếu thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thanh tra tìm ra được nhiều tham nhũng, sai phạm thì càng bị quy trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, thanh tra Chính phủ cũng phải kiện toàn để giúp chính phủ quản lý Nhà nước nhưng đừng hy vọng dùng thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng.
PV: Như vậy có nghĩa là không thể giao cho Thanh tra phát hiện tham nhũng trong Chính phủ?
Bà Lê Thị Nga: Thực tế là việc tự phát hiện tham nhũng rất yếu và hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra thời gian vừa rồi rất ít, không đáp ứng so với yêu cầu. Do đó, muốn chống tham nhũng thì phải có cơ chế tương đối độc lập. Độc lập ở chỗ, người đi phát hiện tham nhũng phải tương đối độc lập so với khu vực có thể xảy ra tham nhũng. Thanh tra là “tai mắt” của Chính phủ mà hy vọng vào hệ thống thanh tra thì không được. Bao nhiêu năm nay hiệu quả của thanh tra đối với công tác này không cao so với thực tiễn tình hình tham nhũng đang diễn ra và so với yêu cầu của cử tri đối với lĩnh vực này. Cần có một loại cơ quan phát hiện tham nhũng một cách độc lập, nếu giao cho thanh tra thì rất khó cho họ.
PV: Để công tác thanh tra hiệu quả, ai sẽ thanh tra lại thanh tra, thưa bà?
Bà Lê Thị Nga: Trước đây, chúng ta có một hệ thống kiểm soát chung (kiểm soát việc tuân theo pháp luật) hệ thống đó nằm ngoài khu vực hành pháp. Có hệ thống này thì phát hiện sẽ dễ hơn, đảm bảo tính khách quan hơn. Điều này phải nghiên cứu tổng thể trong hệ thống các cơ quan về phòng, chống tham nhũng. Còn thanh tra rất cần cho quản lý Nhà nước. Quản lý Nhà nước buộc phải có thanh tra, kiểm tra nhưng phải tính toán cụ thể dùng cơ quan này vào việc gì, cách tổ chức thế nào. Cả hệ thống đừng hy vọng, kỳ vọng quá lớn vào thanh tra.
PV: Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả thanh tra trong nội bộ Chính phủ?
Bà Lê Thị Nga: Hiệu quả thanh tra trong nội bộ Chính phủ không cao. Với cách tổ chức như hiện nay, Thanh tra rất khó làm việc. Vì nếu càng phát hiện ra nhiều sai phạm thì càng thể hiện việc quản lý khu vực hành pháp có vấn đề. Ngay ở cấp tỉnh cũng như vậy, ông Chủ tịch tỉnh càng chỉ đạo Thanh tra tìm ra tham nhũng thì càng chứng tỏ trách nhiệm quản lý của mình có vấn đề. Bây giờ xác định việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng ở những đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch tỉnh, như vậy có phải là tai mắt của thủ trưởng mà lại cứ đi “khui” thủ trưởng ra, để rồi thủ trưởng lại phải chịu trách nhiệm.
Cũng giống như việc tự phát hiện tham nhũng là rất khó, từ 15 năm nay mà không có hiệu quả. Vậy thì chúng ta không thể trông đợi vào việc đó. Ngoài việc kêu gọi tự giác, xây dựng phong trào, nói không với phong bì, nói không với tiêu cực… là cần nhưng không thể nào chống bằng biện pháp tự thân. Theo cách thức này thì không bao giờ chống một cách triệt để được. Bởi nếu tự giác thì tôi “tự” cũng được mà tôi không “tự” thì cũng chẳng có chế tài gì. Cho nên, phát hiện ra tham nhũng không thể bằng cơ quan của tổ chức đó được, có nhưng không thể hoàn toàn, mà phải có cơ chế giám sát mang tính độc lập.
PV: Xin cảm ơn bà!/.