Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói gì về việc bầu thiếu?
VOV.VN - Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia nói về việc bầu thiếu đại biểu HĐND.
PV: Hoạt động HĐND các cấp lâu nay được đánh giá vẫn còn hình thức. Việc bầu thiếu đại biểu liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở các cấp, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thực ra không thiếu nhiều. HĐND cấp tỉnh bầu được 3.908 người, chỉ thiếu 8 người, tức chỉ chiếm 0,2%. Như vậy là đâu có nhiều, không ảnh hưởng gì cả. HĐND cấp xã tính ra chỉ thiếu hơn 2% (bầu được 291.273 đại biểu, thiếu 6.626 người so với mục tiêu) nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của HĐND các địa phương. Nơi nào mà ảnh hưởng, có tỷ lệ bầu thiếu là 2/3 thì đã cho bầu thêm rồi.
PV: Có tỉnh bầu thiếu hơn 400 đại biểu HĐND xã, đơn vị cả Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã đều trượt. Ông có bình luận gì?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc thiếu là rải rác ở các xã và thiếu một vài đại biểu ở cấp xã là hết sức bình thường.
Người dân ở xã đó hiểu rất rõ những người ứng cử. Hằng ngày sống với nhau trong một cộng đồng dân cư thì rất hiểu người đó có năng lực như thế nào, phẩm chất đạo đức ra sao, gia đình ra sao... Vì vậy, việc lựa chọn của cử tri là rất sát.
PV: Liên quan đến bầu đại biểu Quốc hội, lần này có 5 địa phương bầu thiếu so với số lượng ấn định. Tại sao chúng ta chỉ tổ chức bầu thêm ở Cần Thơ, còn 4 tỉnh khác thì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo luật, khi đơn vị bầu cử bầu thiếu số lượng thì Ủy ban bầu cử địa phương có đơn đề nghị về Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét có nên bầu thêm hay không.
Vừa qua, chỉ có duy nhất Cần Thơ có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét cho bầu thêm, còn 4 tỉnh kia (Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai) không đề nghị. Sóc Trăng có văn bản hỏi nên hay không nên chứ không có đề nghị.
PV: Lần đầu tiên Hội đồng Bầu cử Quốc gia được thiết chế trong Hiến pháp đi vào hoạt động. Ông có thể cho biết sự khác biệt so với các cuộc bầu cử trước đây?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoạt động theo thiết chế được Hiến pháp công nhận. Ngay việc công bố xét tư cách đại biểu, trước phải chờ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua thì lúc ấy người được bầu mới chính thức trở thành đại biểu Quốc hội.
Còn giờ thẩm quyền của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là sau 30 ngày công bố mà xem xét thấy các đại biểu không có vấn đề gì, không có khiếu nại tố cáo gì thì sẽ công nhận. Như vậy các đại biểu trước khi vào kỳ họp Quốc hội thứ nhất đã là đại biểu Quốc hội rồi. Đây là thẩm quyền rất rõ.
Thứ hai là trong việc chỉ đạo, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là rất rõ. Việc trực tiếp chỉ đạo thành lập các tiểu ban, bộ phận và văn phòng giúp việc giúp hoạt động rất chuyên nghiệp. Như các bạn đã thấy trong cuộc bầu cử vừa qua, số lượng cử tri đi bầu là 99,35%; tỷ lệ đi bầu thêm, số lượng bầu thêm, bầu lại rất ít... Như vậy công tác chỉ đạo triển khai là rất tốt.
Đặc biệt Hội đồng Bầu cử Quốc gia có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo rất nhanh cho các đơn vị bầu cử. Hỏi cái gì lập tức Văn phòng của Hội đồng trả lời ngay, tháo gỡ vướng mắc cho phía dưới.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.