Tổng tuyển cử đầu tiên - Bước nhảy vọt về thể chế dân chủ

VOV.VN - Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ ở nước ta.

Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử” để bầu ra Quốc hội.

Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử đã được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

PGS.TS Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Tuy là lần đầu tiên tổ chức song cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thể hiện đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kì một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được.

PGS.TS Bùi Xuân Đức phân tích: “Thành công rất quan trọng đó là bầu cử là dịp để xây dựng thể chế dân chủ cho nhân dân, để qua đó thực hiện quyền lực của nhân dân bằng dân chủ đại diện. Cuộc bầu cử đã được tiến hành theo trình tự đầy đủ, lập danh sách ứng cử viên, lập danh sách cử tri, tổ chức bỏ phiếu, kiểm phiếu và giải quyết khiếu nại tố cáo. Và điểm đặc biệt nhất của cuộc bầu cử này là chúng ta đã thực hiện việc tổ chức vận động bầu cử thực chất để huy động toàn dân tham gia bỏ phiếu xây dựng chính quyền và tạo điều kiện cho ứng cử viên có thể thực hiện việc đăng kí đại biểu”.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định về thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Có nhiều nguyên nhân đưa đến thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trong đó, nguyên nhân sâu xa nhất là nhân dân ta giờ có chế độ mới, đưa đến quyền con người, đưa đến một chế độ dân chủ.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng:“Điều này thể hiện một khía cạnh của Tư tưởng Hồ Chí Minh là trong sự trọng thị bức xúc về việc bầu cử cho được Quốc hội thì có lòng tin ở dân, ở dân tộc, ở cách mạng và một vế song song nữa là lòng tin ở chính mình, ở chính ngay Đảng. Chình vì có lòng tin 2 chiều mới có Quốc hội khóa 1 cực kỳ thành công và có ý nghĩa, có giá trị, có tác động rất lớn trong lịch sử hiện đại của Việt Nam”.
Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời, cuộc Tổng tuyển cử cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành chủ nhân của một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: Nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới. Cụ thể, theo tinh thần của bản Hiến pháp năm 1946 là xây dựng một chính quyền mạnh mẽ của nhân dân, để nhân dân trở thành người chủ của đất nước.
GS.TS Trần Ngọc Đường nói: “Hiến pháp đầu tiên là Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo, trong bản Hiến pháp này có rất nhiều tư duy nghiên cứu kế thừa cả về kĩ thuật lập pháp, lập hiến. Thứ nhất Hiến pháp năm 1946 đề cao chủ quyền nhân dân 1 cách đầy đủ nhất. Sở dĩ tôi nói đầy đủ vì quyền lập hiến không những xác định thuộc về nhân dân, người chủ của quyền lực Nhà nước cao nhất. Rồi bằng bằng bản Hiến pháp đó mà nhân dân giao quyền cho lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ nước ta có Quốc hội, có một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, những nguyên tắc tiến bộ về bầu cử, ứng cử như không phân biệt trai, gái, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín… đã tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp và thể chế hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân sau này./. 
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên