Từ vụ cháy chung cư mini: Cần trang bị thêm kỹ năng hỗ trợ ứng cứu của cộng đồng
VOV.VN - Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khu chung cư mini tại Thanh Xuân đêm 12/9 làm nhiều người chết và bị thương tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về kỹ năng phòng, chống cháy nổ đối với mọi người dân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Nhất là kỹ năng hỗ trợ ứng cứu của cộng đồng dân cư xung quanh khi gặp vấn đề tương tự, nếu có kỹ năng tốt số thương vong chắc chắn sẽ giảm hơn.
Trong thảm hoạ hết sức thương tâm từ vụ cháy chung cư mini tại đêm 12/9, tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Thanh Xuân, Hà Nội, bên cạnh nhiều vấn đề (có thể có cả các sai phạm tới đây sẽ được điều tra làm rõ) về quản lý trật tự đô thị, cấp phép xây dựng, chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ…còn có một số vấn đề nhức nhối nữa, đó là việc nhiều gia đình, người dân chưa nắm được và chưa được trang bị nhiều kỹ năng sống quan trọng để bảo vệ bản thân và gia đình trong trường hợp xảy ra cháy (chủ yếu các nguyên nhân tử vong đều do ngạt khói).
Phía sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, bên cạnh những người xấu số thiệt mạng (chủ yếu do ngạt khói), thì cũng có những người, những gia đình (trong đó có 1 gia đình có cụ 90 tuổi) biết cách tránh được khói tràn vào nhà nên cả nhà an toàn, chỉ bằng việc tẩm nước vào chăn để chặn khe cửa không cho khói tràn vào)….
Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có truyền đạt chỉ đạo, yêu cầu đề nghị các cơ quan báo chí tập trung vào việc trang bị kỹ năng an toàn cho người dân trong các trường hợp tương tự.
Vụ việc một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp bách về kỹ năng phòng, chống cháy nổ đối với mọi người dân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần trang bị kỹ năng hỗ trợ ứng cứu của cộng đồng dân cư xung quanh cũng là vấn đề rất cần thiết, khi mà nhiều video clip quay tại hiện trường cho thấy khi có người kêu cứu, lẽ ra có thể tập hợp chăn đệm rải dưới đất để cho một số người có thể nhảy xuống, thì nhiều người chứng kiến cũng chỉ biết…lấy điện thoại ra quay rồi sau đó chia sẻ trên mạng xã hội.
Kỹ năng thoát hiểm đối với người gặp hỏa hoạn
Khi hỏa hoạn ở nhà thấp tầng: Bằng biện pháp nhanh nhất, thông báo cho mọi người trong nhà biết để kịp hỗ trợ xử lý hoặc thoát ra ngoài an toàn. Cúp cầu giao điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa ngay từ khi mới phát sinh.
Nếu không dập được hãy nhanh chóng thoát ra ngoài và đóng cửa lại. Tìm mọi cách báo cháy cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho đội Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc Công an phường gần nhất.
Nếu phải băng qua lửa hãy dùng áo, khăn trải bàn, chăn…bằng chất liệu cotton nhúng ướt trùm lên đầu, lên người. Khi di chuyển qua vùng có khói dày, hãy sử dụng khăn ướt bịt mũi miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc, khum người di chuyển càng thấp càng tốt. Khi di chuyển nên men sát chân tường, sẽ giúp di chuyển nhanh và an toàn hơn. Nếu không thể thoát ra ngoài bằng các cửa, hãy sử dụng búa tạ đập tường để tạo lối thoát ra ngoài.
Khi hỏa hoạn xảy ra ở nhà cao tầng:
Hãy bình tĩnh suy xét, lựa chọn giải pháp. Cúp cầu dao điện, sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Nếu không dập được hãy ra khỏi phòng bị cháy và đóng cửa lại.
Sử dụng thang bộ để thoát hiểm ra ngoài tòa nhà (không sử dụng thang máy). Nếu là tòa nhà mới đến lần đầu, có thể tìm lối thoát hiểm theo hướng chỉ dẫn của các đèn Exit. Trên đường thoát nạn hãy báo cho mọi người cùng biết bằng cách nhấn chuông báo cháy khẩn cấp hoặc gõ cửa, hô hoán.
Nếu phải băng qua lửa hãy dùng áo, khăn trải bàn, chăn…bằng chất liệu cotton nhúng ướt trùm lên đầu, lên người. Khi di chuyển qua vùng có khói dày, hãy sử dụng khăn ướt bịt mũi miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc, khum người di chuyển càng thấp càng tốt. Khi di chuyển nên men sát chân tường, sẽ giúp di chuyển nhanh và an toàn hơn.
Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ bên ngoài trước khi mở bằng cách dùng tay chạm nhẹ vào núm xoay hoặc tay vặn bằng kim loại trên cửa. Nếu rất nóng tức là nhiệt độ bên ngoài rất cao và ngược lại. Khi mở cửa phải hé từ từ, nấp toàn thân sau cánh cửa và hạ cơ thể thấp nhất có thể so với mặt sàn để đề phòng lửa tạt.
Nếu nhiệt độ bên ngoài quá cao, tuyệt đối không được mở cửa. Dùng vải, giẻ ướt nhét vào những khe hở hoặc dùng băng keo dán chặt những nơi khói có thể len vào. Sau đó tìm cách thoát sang phòng khác.
Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ngoài ban công sử dụng các phương tiện thoát nạn khác để thoát thân hoặc kêu cứu, sử dụng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho các lực lượng cứu nạn – cứu hộ chuyên nghiệp cứu giúp. Tuyệt đối không nhảy ra ngoài tòa nhà trừ trường hợp ở tầng thấp và có nệm hơi cứu hộ bên dưới hoặc trường hợp khác theo sự chỉ dẫn của lực lượng chuyên ngành.
Đối với cộng đồng dân cư xung quanh khi thấy xảy ra hỏa hoạn, cần thiết phải trang bị kỹ năng cơ bản như cứu người bằng thang dây, cứu người nhảy từ trên tầng cao xuống, hỗ trợ sơ cứu, hô hấp và phối hợp chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu nạn nhân.
Kỹ năng ứng cứu của người xung quanh
Còn nhớ, tháng trước, có một cô gái ở trong khu chung cư cao tầng của Hà Nội, khi đi khám bệnh về, bác sỹ cho biết cô đã mắc bệnh nan y, cuộc sống không còn được bao lâu. Trong một phút nông nổi, cô đã trèo ra ban công và định nhảy xuống đất để quên sinh, khi đó vào ban ngày, đã có nhiều người thấy, đã la hét, khuyên nhủ cô gái.
Một số bác bên dưới đã nhanh trí vào nhà xung quanh lấy đệm, chăn, gối xếp xuống bên dưới sân nơi cô gái đang treo mình bên trên. Một lúc sau cô gái tuột tay và rơi xuống, may mắn cô đã rơi trúng tấm đệm trải trước đó, cô gái bị thương và được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Nếu sự vụ hôm qua, mọi người cũng chọn một lối hợp lý, trải đệm, căng bạt nhiều lớp, một số người nhảy xuống vào các lớp bạt, rồi dần dần xuống lớp đệm phía dưới, chắc chắn sẽ cứu sống được nhiều người hơn.
Kỹ năng ứng cứu và xử lý tình huống tùy từng hoàn cảnh áp dụng đúng lúc, đúng thời điểm sẽ cao hơn nhiều khi chỉ biết la hét và cầm điện thoại để quay lại.