Nơm nớp lo sạt lở tại kè An Hiệp, Đồng Tháp

VOV.VN - Gần 1 năm qua, người dân sống ven sông Tiền tại khu vực xã An Hiệp Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã an tâm phần nào trước nguy cơ sạt lở khi nơi đây đã xây dựng kè kiên cố. Tuy nhiên, dù có bờ kè chắc chắn nhưng người dân xã An Hiệp lại vẫn ngay ngáy lo sạt lở đe dọa, đứng trước nguy cơ mất đất, mất vườn do xuất hiện các hố xoáy mới tạo ra các hàm ếch với các nguy cơ chực chờ

 

Nước chảy siết, bờ sông tại khu vực xã An Hiệp huyện Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp lúc nào cũng là nơi đón dòng chảy từ thượng nguồn chảy vào. Do nằm ngay đoạn sông uốn khúc nên nơi đây phải chịu tác động lớn của dòng chảy. Điều này đã tác động không nhỏ đến công trình kè mỏ hàn và công trình kè bờ nơi đây.

Thời gian qua, ở khu vực công trình này cũng đã có tình trạng sạt trượt thảm đá. Đứng trước nguy cơ đó, tại những khu vực hiểm yếu, có nguy cơ cao, địa phương huyện, xã đã khuyến khích đưa hàng trăm lồng bè nuôi đá điêu hồng kéo về đây để neo đậu gần bờ, nhằm giảm thiểu tác động của nước chảy vào các công trình kè bờ.

Ông Châu Hoàng Phùng, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho rằng: "Nhờ bè cá kéo tới nên các hàm ếch nó đỡ sạt thêm. Chứ giờ mấy hàm ếch sâu lắm rồi, mất hết rọ đá rồi. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến xã. Xã nói sẽ kiến nghị đến cấp trên để tu bổ. Nhưng cũng đã hơn 1 năm rồi không thấy gì".

Theo người dân địa phương, khi chưa có hệ thống các bè cá neo đậu thì tại vị trí mỏ hàn số 3 và mỏ hàn số 1 tiếp giáp, đã xuất hiện các hố xoáy mới, khiến cho độ sâu ở các khu vực này ngày càng sâu thêm so với trước, các dấu hiệu mất chân dần lộ ra khiến cho người dân ven bờ kè vô cùng lo lắng. Sau gần 1 năm neo đậu, các hố xoáy mới cũng ít xuất hiện và người dân cũng an tâm phần nào. Hiệu quả của việc neo đậu các bè cá thì đã rõ, tuy nhiên, đứng trước áp lực thua lỗ của nghề nuôi cá điêu hồng nên việc treo bè, dời bè đi nơi khác diễn ra thường xuyên khiến cho số lượng bè cá neo đậu ngày một ít đi.

Thế nên, người dân sống ven bờ như ông Châu Chí Trị rất lo lắng: "Bè cá kéo tới thì đỡ hơn, hạn chế sạt lở, ngăn được dòng nước chảy nhiều. Khu này khi làm bờ kè rồi thì xuất hiện hàm ếch lớn. Chính quyền cũng có sửa chữa nhưng cũng sạt, rồi chắp vá. Sửa nhiều lần nhưng hàm ếch ở đây quá lớn nên không xong, sợ lở nữa".

Cùng chung nỗi lo lắng đó, nhiều hộ dân đã từng chạy sạt lở như ông Võ Văn Xịa cũng cảm thấy bất an. Hàng chục công đất cùng nhiều tài sản của gia đình, dòng họ đã bị nước cuốn trôi trong khoảng 10 năm qua. Do vậy, ông tha thiết được nhà nước quan tâm sửa chữa công trình để sử dụng lâu dài, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân ven bờ.

"Giờ kiến nghị nhà nước hỗ trợ lắp lỗ nhỏ, chứ không thì nó phá lớn ra làm công trình hư nặng. Dân ở đây lo sợ lắm", ông Võ Văn Xịa chia sẻ.

Với người dân ven sông Tiền khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Đồng Tháp thì nỗi lo năm cũ, mất đất, mất tài sản luôn là một nỗi ám ảnh. Do đó, người dân đang rất lo lắng cho những hàm ếch nhỏ tại khu vực kè bờ sẽ mở rộng theo con nước. Khi đó, không chỉ tài sản của người dân bị ảnh hưởng mà công trình hàng trăm tỷ như Kè An Hiệp cũng bị ảnh hưởng theo.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đồng Tháp: Sạt lở đất nghiêm trọng, thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng
Đồng Tháp: Sạt lở đất nghiêm trọng, thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng

VOV.VN - Ngày 10/3, tại ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng.

Đồng Tháp: Sạt lở đất nghiêm trọng, thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng

Đồng Tháp: Sạt lở đất nghiêm trọng, thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng

VOV.VN - Ngày 10/3, tại ấp Tân Thạnh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng.

Sạt lở cống hở chống lũ tại Đồng Tháp
Sạt lở cống hở chống lũ tại Đồng Tháp

(VOV) -Vụ sạt lở khiến 2 hộ dân phải di dời và đe dọa gần 3.000ha lúa thu đông đang đến giai đoạn thu hoạch.

Sạt lở cống hở chống lũ tại Đồng Tháp

Sạt lở cống hở chống lũ tại Đồng Tháp

(VOV) -Vụ sạt lở khiến 2 hộ dân phải di dời và đe dọa gần 3.000ha lúa thu đông đang đến giai đoạn thu hoạch.