Thấy gì qua những vụ việc báo chí nêu và cơ quan chức năng vào cuộc?
VOV.VN - Vụ Trịnh Xuân Thanh, tài sản cán bộ đến công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính... cho thấy vai trò quan trọng của báo chí trong chống tiêu cực.
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), trong phần nhiệm vụ và giải pháp tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, đã nhấn mạnh: "Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tuy nhiên, để nhà báo đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, lãng phí cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan chức năng được giao trọng trách, để những vấn đề báo chí nêu ra không rơi vào im lặng.
Chiếc xe sang gắn biển xanh trái luật và ông Trịnh Xuân Thanh thời còn làm Chủ tịch PVC. (Ảnh: Thanh Niên) |
Sức mạnh của nhà báo chống tham nhũng là sự thật
Từ vụ việc một chiếc xe sang gắn biển xanh ở tỉnh Hậu Giang mà báo chí phản ánh đã lộ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến quá trình đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Hay gần đây, ngay sau khi báo chí phản ánh về việc sở hữu khối tài sản “khủng” của một đồng chí lãnh đạo Bộ Công thương và gia đình, Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Sau dịp nghỉ Tết vừa qua, chỉ một ngày sau khi báo chí phản ánh việc một số cán bộ, công chức của Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu đi lễ chùa trong giờ hành chính, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo kịp thời kiểm tra xác minh và đưa ra hình thức kỷ luật.
Đây là một số vụ việc thời gian gần đây được báo chí phản ánh và đã được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng.
Để có được những bài báo chống tham nhũng mang lại hiệu quả xã hội tích cực như trên, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng: Chống tham nhũng nhiều khi rất cô đơn, sức mạnh duy nhất của nhà báo chống tham nhũng là sự thật. Tuy nhiên, có những lúc, những người làm báo cũng mất niềm tin.
Có một thực tế dễ thấy là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan địa phương đó phát hiện, càng không phải thông qua sinh hoạt Ðảng, mà hầu hết là do quần chúng nhân dân và đặc biệt là do báo chí phát hiện, vào cuộc. Ðiều đó càng chứng tỏ vai trò quan trọng và hiệu quả to lớn của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cần thêm cơ chế để báo chí chống “tự chuyển hóa“
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Tinh thần chiến đấu của báo chí với những nhà báo khẳng khái và nhiệt huyết rất cao nhưng vẫn còn khó khăn. Bởi khi nhà báo, phóng viên dùng ngòi bút và tác phẩm báo chí để đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thì người gây ra hậu quả tham nhũng tìm mọi cách chống lại.
Ông Hồ Quang Lợi đề nghị phải có giải pháp để nhà báo chống tham nhũng khi gặp cản trở có chỗ dựa vững chắc, luôn giữ được tinh thần chiến đấu. Khi báo chí lên tiếng thì những đơn vị như Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương quan tâm xử lý thì mới có kết quả.
Không để vấn đề báo chí nêu rơi vào im lặng
Tại hội nghị giao ban báo chí đầu năm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã yêu cầu cần nâng cao chất lượng của công tác tiếp nhận, giải quyết và phản hồi các vấn đề báo chí nêu, để những vấn đề báo chí nêu không rơi vào im lặng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí đầu năm. |
"Hay những vấn đề gì báo chí nêu, chưa làm được, chưa có kết quả cũng phải thông tin lại cho báo chí biết. Để làm sao những vấn đề của chúng ta nêu lên không rơi vào im lặng, không rơi vào quên lãng”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ cùng báo chí theo dõi, phát hiện và đấu tranh với những hành vi tham nhũng. Mặt trận sẽ đứng ra kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những vấn đề, những vụ việc mà báo chí nêu để có kết quả cuối cùng.
“Phải đeo bám đến cùng, có kết quả trong năm nay, chứ không phải chỉ giải báo chí năm nay nhưng kết quả mấy năm nữa mới trông thấy. Tận dụng thời cơ Mặt trận và 5 tổ chức chính trị đồng hành cùng báo chí để kết quả nhanh hơn, rõ hơn, hiệu quả hơn. Mặt trận đồng hành cùng báo chí ngay khi bài báo được đăng để cuối năm khi trao giải thì bài báo đó có tác dụng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Có thể nói, trong các Nghị quyết của Đảng, chưa có Nghị quyết nào đề cập việc phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng nhiều và rõ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Cũng chưa khi nào có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc chung tay cùng báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng như thời gian gần đây.
Từ đây, báo chí có cơ sở, niềm tin và động lực đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đóng góp đặc biệt quan trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng./.