Thủ tướng đề xuất 5 ưu tiên xây dựng Cộng đồng Đông Á

Tham dự phiên thảo luận về việc thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng Đông Á, ngày 30/1, tại WEF 2010, với tư cách nước Chủ tịch ASEAN 2010 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng...

Tiếp tục các hoạt động tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2010 ở Davos, Thụy Sỹ, chiều 30/1 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, Bộ trưởng Thương mại các nước: Hàn Quốc, Indonesia, Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore và các học giả nổi tiếng tham dự phiên họp đặc biệt về cộng đồng Đông Á.

Với tư cách nước Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp này. VOVNEWS trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung bài phát biểu này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Ngày nay, một Cộng đồng Đông Á hoà bình, ổn định, thịnh vượng và tiến bộ không còn là một ước mơ, một tầm nhìn dài hạn, mà đang dần được hình thành trên thực tế. Kể từ năm 1997 đến nay, hợp tác và liên kết khu vực hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Đông Á ngày càng gia tăng thông qua nhiều cơ chế do ASEAN chủ xướng và đạt được những kết quả quan trọng về nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác và liên kết kinh tế là lĩnh vực đi đầu, là chất xúc tác và tiền đề vật chất quan trọng của quá trình xây dựng Cộng đồng.

Mức độ liên kết kinh tế-thương mại giữa các nước ở khu vực ngày càng sâu sắc, với một mạng lưới các thoả thuận mậu dịch tự do (FTA) song phương và đa phương. Đề xuất lập Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA) trong khuôn khổ ASEAN+3 và Đối tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA) giữa 16 nước tham gia Cấp cao Đông Á cũng đang được nghiên cứu triển khai.

Nếu thành hiện thực, riêng Khu vực Mậu dịch Tự do Đông Á (EAFTA) sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với thị trường hơn 2 tỷ dân và tổng GDP lên đến 10.000 tỷ USD. Một nội dung hợp tác quan trọng hướng tới cộng đồng Đông Á là tăng cường tính kết nối giữa các nền kinh tế về hạ tầng. ASEAN đang xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN với mục tiêu kết nối đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không, viễn thông và hạ tầng phần mềm trong ASEAN và mở rộng ra Đông Á. Chúng tôi hy vọng 30-50 năm tới, Đông Á sẽ trở thành một khu vực được kết nối thông suốt, trong đó ASEAN là trung tâm.

Về cơ chế, hiện nay hợp tác và liên kết Đông Á đang được triển khai chủ yếu thông qua cơ chế ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á, trong đó ASEAN+3 được coi là công cụ chính với ASEAN đóng vai trò chủ chốt, và được bổ trợ bởi các khuôn khổ ASEAN+1, ARF và Cấp cao Đông Á. Gần đây, ngoài các khuôn khổ trên, có một số đề xuất mới được nêu rất đáng được quan tâm và nghiên cứu sâu như cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương của Thủ tướng Australia Kevin Rudd, hay Cộng đồng Đông Á của Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama, bao gồm cả Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Năm 2010 là năm "bản lề" để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác tiến hành các hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Hiến chương, đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với đối tác. Việt Nam cũng có trách nhiệm điều phối và thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á. Một ASEAN phát triển năng động và liên kết chặt chẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu như một tác nhân gắn kết trong quá trình xây dựng cộng đồng Đông Á. Do đó, tôi cũng kêu gọi các nước đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tích cực đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhất là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối nội khối.

Tôi cho rằng trong năm 2010 và tiếp sau đó cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh các biện pháp tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở khu vực, duy trì Châu Á là khu vực tăng trưởng năng động với các ưu tiên sau:

Một là, tăng cường hợp tác tài chính-tiền tệ, sớm triển khai Thỏa thuận Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai và nâng cao năng lực hệ thống ngân hàng trong khu vực. Đặc biệt, các quốc gia Đông Á cần đóng góp tích cực và thiết thực hơn nữa vào quá trình cải cách các thể chế tài chính – tiền tệ và quản trị toàn cầu, trong đó có hoàn thiện cơ chế G-20. Năm 2010 Hàn Quốc – một thành viên của Đông Á sẽ là đồng chủ nhà G-20 và đây là cơ hội để Đông Á nâng cao vai trò của mình. ASEAN cũng hy vọng tiếp tục có cơ hội tham gia các hội nghị của G-20.

Hai là, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư trong khu vực,thực hiện đúng lộ trình các Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand... Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cần nhấn mạnh quyết tâm của các nền kinh tế Đông Á tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tự do hóa thương mại, cam kết không quay lại với các biện pháp bảo hộ vị kỷ và thiển cận, đóng vai trò tích cực thúc đẩy Vòng Đô Ha sớm hoàn tất.

Ba là, tăng cường kết nối về hạ tầng tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, cũng như giao lưu giữa người dân ở khu vực. Tôi mong các bên đối tác và các tổ chức quốc tế và khu vực hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN, làm cơ sở cho kết nối Đông Á.

Bốn là, tăng cường hợp tác đối phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực, suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh... Tôi cho rằng ASEAN nói riêng và các nước Đông Á nói chung cần đi đầu trong các nỗ lực khu vực và toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu. Tôi xin kiến nghị thành lập một Diễn đàn Đông Á về Biến đổi Khí hậu để đưa ra các biện pháp phối hợp hành động chung tại khu vực và đóng góp vào việc hình thành một khuôn khổ hợp tác toàn cầu xử lý thách thức to lớn này của nhân loại. Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức Hội nghị đầu tiên của Diễn đàn này trong năm 2010.

Năm  là, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục và trao đổi học thuật, giao lưu nhân dân nhằm tạo dựng và nuôi dưỡng sự tin cậy và hiểu biết, nâng cao nhận thức cộng đồng và bản sắc khu vực. Tôi kêu gọi ba quốc gia trụ cột của Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chung tay thành lập một Quỹ hợp tác giáo dục và giao lưu văn hóa Đông Á nhằm thúc đẩy các mục tiêu trên.

Mặc dù đã có những tiền đề vật chất quan trọng, nhưng với tính đa dạng nhiều mặt của các nước trong khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng Đông Á là một thách thức to lớn và đòi hỏi một quá trình lâu dài. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn nhận thức và bảo đảm xây dựng cộng đồng Đông Á là một quá trình mở và thu nạp, lấy hòa bình, ổn định làm mục tiêu và liên kết kinh tế làm phương tiện chính, và ASEAN đóng vai trò chủ đạo. Vì lẽ đó, bên cạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, cũng cần quan tâm và xử lý thoả đáng các vấn đề có khả năng ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở khu vực, xây dựng và củng cố lòng tin. Xây dựng thành công một Cộng đồng Đông Á, dù đó trên cơ sở ASEAN+3 hay mở rộng hơn ASEAN+6, cũng là điều kiện tiên quyết để Châu Á có thể có một tiếng nói có trọng lượng xứng đáng hơn trên trường quốc tế”.

Đêm 30/1, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ sẽ rời Davos về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2010, kết hợp thăm làm việc với Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới tại Thụy Sỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên