TP.HCM phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình chung của cả nước
VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước.
Sáng 16/4, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Cùng dự có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình phát triển KTXH quý I năm 2023, xử lý những kiến nghị và trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại; xứng đáng là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của cả nước, hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và Châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với TP để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới diễn biến phức tạp như: kinh tế suy giảm; các nước thực hiện chính sách thắt chặt; thị trưởng co hẹp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá nguyên nhiên liệu tăng; Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam… Trong khi đó, trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP.HCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội của TP, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của TP; rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa TP với các bộ, ngành Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Từ đầu năm đến giờ, sau hơn 3 tháng chúng ta ban hành rất nhiều nghị quyết, nghị định, các thông tư để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội của đất nước, những chính sách đó đã vào TP.HCM được chưa? chưa vào? vào đến đâu rồi? ở mức độ thế nào? thì chúng ta phải xem xét tiếp, đó là nhiệm vụ giải pháp, những chính sách chúng ta đã ban hành thì thực chất là đi thẳng vào cuộc sống chưa? quá trình tổ chức vận hành còn vướng mắc cái gì? cần phải bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh cái gì cho phù hợp với tình hình. Sự phối hợp giữa thành phố với Chính phủ, phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành cần phải rút kinh nghiệm gì? cần phải điều chỉnh gì? thúc đẩy cái gì để chúng ta làm tốt hơn".
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp lớn cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Trong năm 2022, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng GRDP 9,03%; đóng góp 15,6% GDP đứng thứ nhất trong 63 tỉnh thành cả nước.
Trong quý I năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng dương ước tăng 0,7%, trong đó một số ngành có mức tăng trưởng khá ngành dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 24,24%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, riêng công nghiệp và dịch vụ chiếm 86,3%. Thu NSNN đạt gần 125 nghìn tỷ đạt 26,6% dự toán năm.
Tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng gần 70 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI thực hiện tăng 19,4%.
Sản xuất tháng 3 khởi sắc, chỉ số IIP tháng 3 tăng 4,8% so với tháng 02 và tăng 2,3% so với cùng kỳ. Đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu. Giá cả hàng hóa ổn định. Khách quốc tế đạt gần 1,1 triệu người trong quý I năm 2022 không có khách du lịch quốc tế. Có gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,6% và chiếm 32,4% doanh nghiệp thành lập mới cả nước. Tổng dư nợ tín dụng quý I tăng 7,7%.
Tổ chức tốt công tác chăm lo và các hoạt động Tết cổ truyền Quý Mão năm 2023; đảm bảo mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, hệ thống chính trị. Đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành nhiều vấn đề, trong đó có kiến nghị về Đề án ban hành Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14; Các Dự án giao thông liên vùng; kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương; kiến nghị chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ lập Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn đường cao tốc TPHCM-Long Thành (đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 - nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu); kiến nghị chỉ đạo các bộ, địa phương hỗ trợ TPHCM và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM; kiến nghị xem xét bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Vành đai 2 (nút giao Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 đồng bộ với đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ ngành, kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. HCM, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ rõ tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong đó nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tổng sản phẩm trên địa bàn Quý 1/2023 tăng thấp (0,7%), kéo chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước xuống thấp (3,32%). Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao đang giảm sâu như: giá trị tăng thêm ngành xây dựng giảm 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khác.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thành phố trong sự phát triển chung của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển của Thành phố; Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2023 và Kế hoạch phát triển KTXH 2021-2025.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát việc triển khai của từng cấp. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình, trên tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm công việc: Công việc thường xuyên, công việc tồn đọng, công việc phát sinh; không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan cũng không bi quan.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo, điều hành gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm sinh kế cho người dân; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản, các quy định về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, giao đất, định giá đất; triển khai chương trình phục hồi và phát triển, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).
Chính phủ đã gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, tiền thuê đất; Thành phố cần tổ chức thực hiện thật tốt.
Về xuất khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh, cần cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Thủ tướng lưu ý, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài. Trong đó, về lâu dài phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm và triển khai các biện pháp liên quan tới cán bộ, tạo môi trường, hành lang an toàn cho cán bộ làm việc, động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan tới cán bộ, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.
Coi trọng công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, theo tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hỗ trợ Thành phố trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, mà trước hết là công tác quy hoạch.
Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để thúc đẩy tăng trưởng trong cả tiêu dùng và sản xuất.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị triển khai công tác này trên tinh thần linh hoạt, đúng luật. Đẩy mạnh thực hiện gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đặc biệt là vấn đề quy hoạch đất, giao đất.
Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đền bù, tái định cư, nhất là các dự án giao thông. Đẩy mạnh cải cách, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, PAPI… Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, niềm tin xã hội bằng những giải pháp, chính sách, hành động cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và làm tốt công tác truyền thông.
Làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động giải quyết các vấn đề của Thành phố, kết hợp hài hòa giữa phương thức trực tiếp và trực tuyến, hạn chế đi lại, thủ tục, với tinh thần trách nhiệm cao nhất./.