Thủ tướng: Tăng trưởng 8,3 - 8,5% không phải mục tiêu bất khả thi
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần đồng lòng, quyết chí, đồng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3 - 8,5%.
Sáng nay (16/7), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
2 kịch bản tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế đạt 7,52% cao nhất trong cùng kỳ gần 20 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh các địa phương tăng trưởng cao vẫn còn 17/34 địa phương tăng trưởng 6 tháng dưới 8% như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Phân tích các thuận lợi, thách thức, Bộ trưởng Bộ Tài Chính nêu ra 2 kịch bản tăng trưởng, thứ nhất là phấn đấu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8% và lạm phát khoảng 4,5%-5%. Kịch bản thứ hai là tăng trưởng cả năm 2025 đạt từ 8,3 đến 8,5% và lạm phát ở mức từ 4,5-5%.

"Với tinh thần, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành phấn đấu thực hiện theo kịch bản hai là tăng trưởng từ 8,3 đến 8,5%, tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên. Theo đó, các địa phương đầu tàu, động lực tối thiểu cần đạt tăng trưởng 8,5%", theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2026, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát để giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm tăng trưởng kinh tế cả năm 2026 đạt 10% trở lên.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Bộ Tài Chính kiến nghị triển khai ngay một số giải pháp như: các bộ, ngành, địa phương giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã được giao; tiếp tục triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong trường hợp cần thiết; thực hiện hiệu quả các gói tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; tháo gỡ cho 2.981 dự án tồn đọng; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội và chỉ tiêu xã hội của các địa phương và đề xuất sửa các Luật, trong đó có Luật đất đai.
Tại hội nghị, các bộ ngành, địa phương ủng hộ phương án phấn đấu thực hiện theo kịch bản hai là tăng trưởng từ 8,3 đến 8,5%, tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những năm qua tín dụng đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao. Để giảm bớt áp lực đối với tín dụng từ hệ thống ngân hàng, nhất là về tín dụng trung, dài hạn, nữ Thống đốc đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, giải quyết các nhu cầu vốn trung và dài hạn, để tránh phụ thuộc vào vốn của hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó triển khai các giải pháp tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác như: đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thu hút vốn FDI, cân nhắc vay vốn nước ngoài, tính toán và phân kỳ phù hợp với nhu cầu vốn.
Để bảo đảm giải ngân kế hoạch đầu tư công và hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đề xuất gấp rút hoàn thiện khối lượng công tác giải phóng mặt bằng:.
"Các địa phương cần vào cuộc quyết liệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, để hoàn thành các công trình. Đây cũng là một giải pháp để nâng cao tăng trưởng. Tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư sớm để khởi công dự án trọng điểm trong năm 2025 như: đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường sắt cao tốc", theo ông Trần Hồng Minh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị ngay trong năm 2025, sau khi Thủ tướng phân bổ, các địa phương phải làm công tác chuẩn bị, từ công tác giải phóng mặt bằng và các cơ chế thể chế đã được tháo gỡ cần phải triển khai sớm để bước vào đầu năm 2026 triển khai được ngay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2025, Hà Nội khởi công 7 cây cầu bắc qua sông Hồng và các sông lớn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và khởi công toàn tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc vào tháng 12/2025... Những công trình này được triển khai sẽ là "cú hích" để Hà Nội đạt tăng trưởng trong năm nay và trong nhiệm kỳ tới.
Đại điện thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ quyết tâm thực hiện hiệu quả bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục tăng tốc các động lực truyền thống, tập trung giải ngân đầu tư công, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và kích thích tiêu dùng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khơi thông nguồn lực.

Mục tiêu khó nhưng không phải bất khả thi
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên là mục tiêu khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi.
"Mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%. Kịch bản tăng trưởng là 8,3 đến 8,5% năm nay và năm 2026 là hai con số. Chúng ta phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và tổng đầu tư xã hội huy động khoảng 2,8 triệu tỷ đồng. Kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ổn định tỷ giá, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và sinh kế cho người dân, kiểm soát dòng vốn tín dụng đi vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100%, như vậy có khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội tăng so với năm ngoái khoảng 11-12%, cụ thể gần 3 triệu tỷ đồng. Mở rộng nguồn thu, tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ trung và dài hạn phục vụ các động lực tăng trưởng, các công trình trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành các mục tiêu về đường cao tốc, đường ven biển, khởi công các dự án đường sắt; các địa phương được giao công trình, dự án cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các bộ ngành, địa phương, cơ quan cần chuẩn bị tốt việc tham gia triển lãm quốc gia về "80 năm hành trình độc lập - tự do - hạnh phúc" với tinh thần khẩn trương, sáng tạo.

Thủ tướng lưu ý bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ... Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; có chính sách visa phù hợp đi đôi với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch để đạt mục tiêu 25 triệu du khách trong năm 2025.
Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phấn đấu tăng trưởng cao, cao hơn trung bình cả nước, đạt mức trên dưới 10% trong năm nay, trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các địa phương phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ngoài ra, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng trước ngày 27/7; quyết liệt, hiệu quả triển khai chương trình nhà ở xã hội.