Trách nhiệm ở đâu?

Với trách nhiệm, nếu vì sợ mà né, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự tước bỏ giá trị của mình. Nhưng, điều đó vẫn xảy ra và dường như đang ngày càng phổ biến…

<< Dừng ngay việc buộc người dân phải ký cam kết khi tiêm phòng

Thời gian gần đây, nhiều người dân cảm thấy ngỡ ngàng khi đi tiêm phòng tại các cơ sở y tế. Để được tiêm phòng, họ buộc phải ký vào một văn bản có tên “Cam đoan chấp nhận chích ngừa”.

Việc cam đoan này, thông thường chỉ được áp dụng với những ca phẫu thuật có mức độ rủi ro cao. Vì thế, không ngạc nhiên khi người dân cảm thấy ngỡ ngàng do buộc phải cam kết trước khi thực hiện một thao tác y tế đơn giản là tiêm phòng.

Giải thích về lý do của cái sự phải ký giấy cam đoan này, ông Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM nói rằng: “Trước đây không có giấy cam đoan, nhưng qua một số vụ tai biến sau tiêm ngừa vắc-xin xảy ra trong nước, chúng tôi có soạn mẫu giấy cam đoan để sau khi nghe bác sĩ tư vấn về lợi ích của tiêm ngừa, cũng như tai biến có thể xảy ra sau tiêm... nếu người bệnh đồng ý tiêm thì mới ký vào giấy cam đoan”. Với cách giải thích này, có thể thấy rằng cơ sở y tế đã chuẩn bị trước cho tình huống xấu có thể xảy ra.

Đó là, nếu như tình trạng sức khoẻ của người bệnh bị tổn hại sau khi tiêm, bản thân họ sẽ phải chịu một phần trách nhiệm vì họ đã tự nguyện chấp nhận hiểm nguy chứ bác sĩ không ép. Về lý, khi áp dụng bất kỳ biện pháp y tế nào, nhân viên y tế cũng phải có trách nhiệm xác định những khả năng tai biến có thể xảy ra để đưa ra chỉ định. Nhân viên y tế, với khả năng chuyên môn của mình phải chịu trách nhiệm về mọi chỉ định mà họ đưa ra với bệnh nhân, cho dù họ có tự nguyện hay không.

Chuyện né trách nhiệm không chỉ xảy ra trong những tác nghiệp cụ thể như tiêm phòng. Trong công tác quản lý, cái sự né nhiều khi diễn ra một cách rất hồn nhiên.

Liên quan đến tình trạng mất việc làm của lao động ở các làng nghề do thiếu đơn hàng, trước những câu hỏi chất vấn đầy sự lo lắng của UB Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã trả lời: “Không nên quá bi quan!” vì “không làm nghề này, họ sẽ chuyển sang nghề khác, hoặc quay về làm nghề nông.” - Thật giản dị và cũng thật tự nhiên! Câu trả lời khiến người ta nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm nổi tiếng về anh chàng nhà giàu nhìn thấy người chết đói và phán: “Không có cơm ăn, sao người ta không ngậm nhân sâm cho khỏi đói?”

Chưa hết. Cũng liên quan đến tình trạng thiếu việc làm của lao động tự do từ nông thôn ra thành thị, vị lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH nói: “Nếu mất việc, quay về quê, không có việc làm ổn định thì họ đã được xếp vào diện hộ nghèo” - Được trở thành hộ nghèo, liệu đó có phải là điều mà những người lao động nông thôn kỳ vọng khi gặp khó khăn trong tìm việc làm? Mong họ không nghĩ thế! Cũng mong rằng, trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH đối với người lao động nông thôn không dừng lại ở đó!

Trong hệ thống thang bậc giá trị của con người, ý thức trách nhiệm được coi là một trong những giá trị cao nhất. Vì vậy, đối với trách nhiệm, nếu cũng vì sợ mà né, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tự tước bỏ giá trị của mình. Nhưng, điều đó vẫn xảy ra và dường như đang ngày càng phổ biến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên