Văn kiện Đại hội Đảng bộ xã, phường mới ở Đà Nẵng thể hiện tư duy, tầm nhìn mới

VOV.VN - Sau sáp nhập, các xã, phường tại thành phố Đà Nẵng (mới) khẩn trương tổ chức Đại hội Đảng bộ trong một vị thế mới: địa giới rộng, dân số đông, không ít thách thức đặt ra. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng văn kiện đại hội không thể là sự “cộng gộp cơ học” giữa các xã, phường cũ.

Đảng bộ thành phố vừa chọn 10 xã, phường tổ chức đại hội trước để rút kinh nghiệm, qua đó cho thấy nội dung văn kiện đã chỉnh sửa, thay đổi dựa trên thực tiễn và tầm nhìn mới.

Không sao chép cơ học, mỗi văn kiện là một tầm nhìn riêng

Những ngày qua, ông Đoàn Văn Viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam nghiên cứu kỹ từng trang dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ xã Việt An. Là một cán bộ hưu trí từng có hàng chục năm gắn bó với vùng đất Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (cũ), nay đang sống tại xã Việt An, thành phố Đà Nẵng (sáp nhập 4 xã Thăng Phước, Bình Sơn, Quế Thọ và Bình Lâm, huyện Hiệp Đức), ông Viên luôn theo sát từng chuyển động lớn nhỏ của quê hương.

Ông Đoàn Văn Viên cho rằng, Đại hội Đảng bộ xã Việt An lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 là một bước ngoặt mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, điều này được thể hiện rõ trong cách thức xây dựng văn kiện đại hội lần này. Với ông Viên, điều đáng quý nhất là tư duy văn kiện không dừng lại ở việc gom ghép những nội dung cũ mà đã bước đầu hình thành một tầm nhìn tích hợp, gắn với chiến lược phát triển dài hạn cho xã Việt An.

Theo ông Đoàn Văn Viên, đó mới là nền móng để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống: “Từ thời điểm thành lập xã Việt An cho đến lúc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ xã diễn ra trong thời gian không dài nhưng sự chuẩn bị thì rất kỹ lưỡng, cụ thể từ việc lấy ý kiến ở cơ sở, lấy ý kiến cán bộ hưu trí, rồi cả những người ở khu vực lân cận để nghiên cứu và hình thành một văn kiện Đại hội xã mới có tính kế thừa và phát triển, chứ không đơn thuần là cộng dồn’dân số. Tất cả đều được tính toán, cân nhắc rất kỹ”.

Ngay từ đầu, Đảng ủy xã Việt An xác định: văn kiện đại hội không phải là tập hợp rời rạc những nội dung từ các xã cũ mà phải là một tổng thể thống nhất, tích hợp hài hòa giữa kế thừa và đột phá. Quá trình xây dựng văn kiện được triển khai với tinh thần cầu thị, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể. Các ý kiến đóng góp từ cán bộ hưu trí, đảng viên kỳ cựu đến người dân tại cơ sở đều được ghi nhận, sàng lọc, phân tích và xử lý công phu. Từ đó, từng nội dung trong văn kiện không chỉ phản ánh đúng tình hình thực tiễn mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược về một xã nông thôn mới hiện đại, xanh, sinh thái và thông minh.

Bà Trần Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Việt An, thành phố Đà Nẵng (mới) khẳng định, việc xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong văn kiện Đại hội được gắn liền với lộ trình triển khai cụ thể, lấy khả thi làm nguyên tắc, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu. Công tác tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân được triển khai đồng bộ, từ các hội nghị của Mặt trận và các đoàn thể đến tận các khu dân cư, thôn xóm. Sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng văn kiện không chỉ góp phần nâng cao chất lượng mà còn tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã.

Bà Trần Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Việt An cho biết: “Xây dựng văn kiện không phải là cộng dồn cơ học giữa các xã cũ, mà là cơ hội để mở ra một không gian phát triển mới, định hình tư duy mới. Thành công của Đại hội không chỉ nằm ở văn kiện đẹp, mà mỗi chỉ tiêu, nhiệm vụ đều phải gắn với hơi thở thực tiễn, phản ánh được mong muốn chính đáng của người dân và có lộ trình thực hiện cụ thể, có tính khả thi cao. Phải làm sao nhanh chóng biến văn kiện thành hành động, hướng đến mục tiêu phục vụ cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn”.

Từ vùng cao đến đô thị: Gắn thực tiễn với khát vọng phát triển

Xã vùng cao Tây Giang được hình thành từ việc sáp nhập 4 xã miền núi cao của huyện Tây Giang cũ (các xã Lăng, Atiêng, Anông, Dang), được định vị là trung tâm kết nối các xã miền núi phía Tây thành phố Đà Nẵng (mới), đóng vai trò đầu tàu phát triển vùng, gắn kết với các địa phương nước bạn Lào. Với 41 tổ chức cơ sở đảng và 930 đảng viên, Tây Giang là một trong 10 xã, phường được Ban Thường vụ Thành ủy chọn tổ chức Đại hội Đảng bộ trước.

Ngay sau khi thành lập, Đảng ủy xã đã hình thành các tiểu ban phục vụ Đại hội, tập trung xây dựng văn kiện với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 12 chỉ tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ 2025–2030. Tại buổi làm việc với Đảng ủy xã ngày 8/7, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị xã cần xác định rõ khâu đột phá, bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi phía Tây thành phố, đồng thời mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù. Ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Tây Giang cần đặt mục tiêu trở thành xã miền núi kiểu mẫu, hiện đại, giàu bản sắc, theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với khát vọng mới, tư duy mới và cách làm mới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Tây Giang lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030 đã tổ chức thành công vào ngày 14/7 vừa qua. Ông Bhling Mia, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang (cũ) được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã Tây Giang khẳng định, những định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là cơ sở quan trọng để Đảng ủy xã hoàn thiện văn kiện Đại hội, đánh dấu bước khởi đầu mới với tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển toàn diện: “Đảng bộ xã Tây Giang cam kết và đăng ký với thành phố, xã đặt mục tiêu xây dựng xã miền núi trở thành xã kiểu mẫu vào năm 2030. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ xã xác định rõ 12 chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, chỉ tiêu trọng tâm là bảo tồn khu đa dạng sinh học gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời mở rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương. Đặc biệt, phát triển cây dược liệu được xác định là hướng đi chiến lược, một trong những sản phẩm đặc trưng của khu vực miền núi phía Tây thành phố”.

Phường Ngũ Hành Sơn (gồm nguyên trạng 4 phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý, thuộc quận Ngũ Hành Sơn trước đây) là địa phương đầu tiên tổ chức Đại hội Đảng bộ trong số 94 xã, phường, đặc khu tại thành phố Đà Nẵng (mới). Đại hội Đảng bộ phường lần thứ I đã tổ chức thành công vào đầu tháng 7, không chỉ đảm bảo chất lượng toàn diện mà còn xác lập chiến lược phát triển, tư duy rõ ràng và mục tiêu cụ thể.

Bà Mai Thị Ánh Hồng, Bí thư Đảng uỷ phường Ngũ Hành Sơn cho biết, báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, phản ánh khát vọng xây dựng Ngũ Hành Sơn trở thành đô thị trung tâm thông minh, hiện đại: “Thành công của Đại hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương trong giai đoạn tới. Đại hội đã đưa ra với 3 nhiệm vụ đột phá và 6 nhóm giải pháp then chốt trải đều trên các lĩnh vực cốt lõi: từ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội đến quốc phòng – an ninh và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

Văn kiện Đại hội: Từ nền tảng cũ đến khát vọng Đà Nẵng mới

Văn kiện là “kim chỉ nam” chính trị của toàn nhiệm kỳ, có hiệu lực ngay sau Đại hội. Thành công từ Đại hội Đảng bộ tại 10 xã, phường được tổ chức trước tại thành phố Đà Nẵng đã cho thấy: văn kiện đại hội đã phản ánh đúng đặc thù địa phương, có tầm nhìn dài hạn và định hướng rõ ràng, nhưng quan trọng hơn cả là phải khả thi, có thể triển khai ngay sau Đại hội. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy Đà Nẵng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội cấp cơ sở sau sáp nhập.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tại 94 xã, phường, đặc khu, Thành ủy đã cử nhiều đoàn công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp làm trưởng đoàn, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan tham mưu làm việc với từng địa phương. Qua đó, góp ý trực tiếp, giúp các cấp ủy hoàn thiện văn kiện. Các Đảng ủy đã nghiêm túc tiếp thu, kế thừa có chọn lọc tinh thần chỉ đạo từ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trước đây, gắn với yêu cầu đặt ra trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại Đà Nẵng (mới).

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định: “Khi thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, việc xây dựng văn kiện đại hội cấp xã, phường mới không đơn thuần là sự lắp ghép từ các địa phương cũ, mà phải kế thừa có chọn lọc từ văn kiện cấp trên trực tiếp, tức là cấp quận, huyện trước đây của tỉnh Quảng Nam (cũ) và thành phố Đà Nẵng (cũ). Các xã, phường mới hình thành cần chủ động đặt ra yêu cầu kết nối tổng thể về quy hoạch, nguồn lực, hạ tầng, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, phù hợp với thực tế. Vì 1 xã, phương mới bây giờ bao gồm từ 2, 3 xã, phường, thậm chí 5 xã, phường trước đây”.

Với sự chuẩn bị nghiêm túc, bài bản từ cấp cơ sở, Đại hội Đảng bộ các xã, phường ở Đà Nẵng không chỉ là bước khởi đầu cho nhiệm kỳ mới mà còn là nơi hun đúc tinh thần đổi mới, khơi dậy khát vọng phát triển trong từng cán bộ, đảng viên và người dân. Từ nền tảng tổ chức Đảng vững mạnh, từng địa phương sẽ có thêm động lực và định hướng để bứt phá. Thành phố Đà Nẵng (mới) đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới của cả nước, một đô thị thông minh, đáng sống.

thanh_pho_da_nang_moi_co_94_don_vi_hanh_chinh_cap_xa_bao_gom_23_phuong_70_xa_va_1_dac_khu.jpg

Đà Nẵng chuẩn bị Đại hội Đảng: Khởi động sự chuyển mình từ miền núi đến đô thị

VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng (mới) đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các xã, phường nhiệm kỳ 2025 – 2030. Từ miền núi cao đến đô thị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều hướng về đại hội cấp cơ sở với niềm tin và kỳ vọng lớn, coi đây là “bản lề” đánh dấu sự chuyển mình.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Đà Nẵng chuẩn bị Đại hội Đảng: Khởi động sự chuyển mình từ miền núi đến đô thị
Đà Nẵng chuẩn bị Đại hội Đảng: Khởi động sự chuyển mình từ miền núi đến đô thị

VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng (mới) đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các xã, phường nhiệm kỳ 2025 – 2030. Từ miền núi cao đến đô thị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều hướng về đại hội cấp cơ sở với niềm tin và kỳ vọng lớn, coi đây là “bản lề” đánh dấu sự chuyển mình.

Đà Nẵng chuẩn bị Đại hội Đảng: Khởi động sự chuyển mình từ miền núi đến đô thị

Đà Nẵng chuẩn bị Đại hội Đảng: Khởi động sự chuyển mình từ miền núi đến đô thị

VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng (mới) đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các xã, phường nhiệm kỳ 2025 – 2030. Từ miền núi cao đến đô thị, cán bộ, đảng viên và nhân dân đều hướng về đại hội cấp cơ sở với niềm tin và kỳ vọng lớn, coi đây là “bản lề” đánh dấu sự chuyển mình.