Về Nguyên Bình, xúc động nghe kể về "Bác Văn" - Đại tướng của lòng dân 

VOV.VN - Đáp lại tình cảm ấy, các dân tộc ở Nguyên Bình nói riêng và quê hương cách mạng Cao Bằng nói chung đều coi Đại tướng như người con của quê hương mình, dân tộc mình với cái tên gần gũi: bác Văn, vị Đại tướng của lòng dân.

Với  người dân các vùng như Tam Kim, Hưng Đạo, Hoa Thám, Minh Tâm… huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường được gọi với cái tên thân thiết, trìu mến: bác Văn. Trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây, Đại tướng là một phần lịch sử của mảnh đất này.

Cụ bà Ma Thị Thiết là người Tày- năm nay đã 99 tuổi, ở thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cụ là một trong những Đảng viên đặc biệt trên mảnh đất cội nguồn cách mạng này. Trong khoảng những năm 1941 đến 1944, thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tên gọi "anh Văn" được Bác Hồ giao xây dựng căn cứ, lực lượng tại khu vực các châu Hòa An, Nguyên Bình, gia đình bà Dương Thị Thiên, mẹ đẻ cụ Thiết tại xóm Thẳm Gầu, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình đã che chở, đùm bọc Đại tướng và các đồng chí của mình.

Sau lần ốm nặng được cụ Thiên cứu chữa, Đại tướng đã nhận cụ Thiên là mẹ nuôi theo phong tục địa phương. Còn cụ Thiết cũng theo truyền thống gia đình đã hăng hái tham gia cách mạng và được Đại tướng đặt bí danh là Tự Tín. Hàng ngày cụ bí mật đưa cơm cho Đại tướng hoặc làm công việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Năm 1943, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giới thiệu cô gái người Tày khi ấy mới tròn 20 tuổi vào hàng ngũ của Đảng. Chồng cụ Thiết, ông Trương Nam Hiến, cũng là một người hoạt động cách mạng cùng bác Văn trong khoảng thời gian này.

Bà Ma Thị Minh Thương, con gái cụ Thiết cho biết: "Khi hỏi bà khi xưa bà đi đưa cơm cho bác Giáp ai theo dõi bà không, bà đưa kiểu gì, cơm cho bác ăn thì có gì? Bà bảo, chỉ có cơm không thôi, có thêm chút muối nữa, chỉ như mang đi chăn trâu mình ăn thôi, chứ không có gì cả. Ngày trước con gái Tày thường mặc áo dài, tà áo đằng trước gập vào rồi cho cơm vào đó để mang đi. Nghe mẹ tôi kể, rồi trước bà ngoại kể thì cảm thấy bác Giáp giống như bác cả trong gia đình tôi thôi"....

Bên dòng sông Hiên mùa lũ ngầu đỏ, ông Dương Văn Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình, nghỉ hưu tại xóm Nà An, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình kể: Bố của ông, cụ Dương Văn Long từng nhắc câu chuyện, có lần lính dõng khủng bố, vây đuổi, cụ Long và bác Văn đã phải dìu nhau chạy xuyên rừng từ Phai Khắt, cõng nhau vượt sông ở Nà An, Nà Viểng (xã Tam Kim) qua vùng Hoa Thám để trốn thoát. Cụ Long chính là em trai cụ Dương Thị Thiên và được Đại tướng đặt cho bí danh Trọng Khánh. Đây cũng là người được Đại tướng nhắc tới nhiều lần trong trong cuốn hồi ký “Từ nhân dân mà ra”.

Ông Sơn tự hào khi cả bố, mẹ và các bác của mình đều là những bậc lão thành cách mạng, được kề vai, sát cánh cùng bác Văn trong những ngày gian khó nhất. Theo ông Sơn, bố ông kể bác Văn về đây là ăn ở với dân thôi, mặc quần áo như người dân bản, còn học cả tiếng Tày nữa, bác rất thương yêu bà con ở đây, coi người dân ở đây như những người trong làng, trong xóm thôi. Nên được bà con tin tưởng, bác nói gì bà con dân làng nghe theo hết. Cho đến bây giờ bà con vẫn gọi Đại tướng là bác Giáp, bác Văn, gần gũi thế thôi.

4 năm ngược xuôi trên vùng đất từ Hà Quảng, Hòa An sang Nguyên Bình đến các vùng thuộc Cao- Bắc –Lạng, mỗi ngọn núi, ngôi làng ở vùng đất này đều in dấu chân của Đại tướng. Từ dãy núi Dền Sinh, Tác Hát đến ngọn Khau Lảng, Khau Dáng, Phia Vựt, Slam Cao,… nơi nào cũng gắn với những kỷ niệm về "bác Văn".  Tự học thành thạo ngôn ngữ, phong tục của người Tày, Nùng, Dao đỏ, Dao tiền để có thể cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động cách mạng- Có lẽ đây là điều khiến người dân nể phục nhất ở "bác Văn"- Võ Nguyên Giáp.  

Ở xã Tam Kim, người dân vẫn kể câu chuyện: Khi thấy bác Văn dù ốm mệt vẫn làm việc thâu đêm, chủ nhà rán một quả trứng gà để bác bồi dưỡng. Vậy nhưng sáng hôm sau, người nhà lại thấy quả trứng được để ngay ngắn cạnh giường của bà cụ trong nhà. Cách sống giản dị, gần gũi ấy đã giúp người dân tin theo đảng, cống hiến hết mình cho cách mạng, bất chấp nhiều gia đình đã bị giặc đến đe dọa, khủng bố, đốt nhà. Cũng chính vì đó, Nguyên Bình đã trở thành căn cứ địa vững chắc, làm bàn đạp để lực lượng cách mạng nam tiến thành công. Ngày 22/12/1944, ngay tại khu rừng Trần Hưng Đạo, dưới chân ngọn núi Slam Cao thuộc xã Tam Kim, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời.

Cách mạng thành công, Đại tướng đã có nhiều lần về thăm Cao Bằng và mảnh đất Nguyên Bình. Nơi có những năm tháng hoạt động gian khó trong sự đùm bọc, chở che của người dân và cả những chiến công ghi dấu các địa danh như Phai Khắt, Nà Ngần…    

Vợ chồng ông Nông Đình Chiến và bà Dương Thị Hỷ ở Bản Um, xã Tam Kim cẩn thận lấy tờ báo in có tấm ảnh Đại tướng về thăm Tam Kim ép plastic làm kỷ niệm. Trang báo có tấm ảnh Đại tướng nói chuyện với người dân và bà Hỷ là người may mắn có mặt trong bức ảnh đó.

Bà Dương Thị Hỷ nhớ lại: “Hôm ấy tôi đi chợ, thấy bác về thì vào để xem thôi, bất ngờ lại được bác vỗ tay vào vai hỏi chuyện, tôi rất cảm động. Bác rất gần gũi, gặp người Dao nói tiếng Dao, gặp người Tày bác lại nói Tày, khi quần chúng đông, bác lại dùng tiếng phổ thông nói chuyện”.

Ông Nông Đình Chiến nói, ân tượng là Đại tướng rất gần gũi, cảm giác như bác đi xa trở về với gia đình thôi. Nhân dân, cán bộ Tam Kim đều nói một điều, bác chính là Đại tướng của nhân dân. Bây giờ ở đây làm một con đường mới, một ngôi trường mới bà con đều bảo đường bác Giáp, trường bác Giáp. Nếu không có Đại tướng thì không có đường, có trường như thế. Ngày lễ, ngày tết, ngày 22/12 hay ngày mất của Đại tướng, bà con đều lên thắp hương cho bác trên ban thờ ở khu rừng Trần Hưng Đạo”.

Lần cuối cùng ông trở lại mảnh đất này năm 1994, Đại tướng một lần nữa khẳng định với đồng bào: "Tôi lên thăm Cao Bằng cũng như là về quê hương thứ hai, cũng như về nhà, bởi vì trong nhiều năm sống và làm việc, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Cao Bằng, nhân dân Cao Bằng, tình cảm của tôi đối với Cao Bằng cũng như là tình cảm của tôi đối với bản thân quê hương của tôi hay là quê hương Quảng Bình". 

Đáp lại tình cảm ấy, các dân tộc ở Nguyên Bình nói riêng và quê hương cách mạng Cao Bằng nói chung, từ người Kinh, người Tày, người Nùng hay người Mông, người Dao đỏ, Dao tiền… đều đã coi Đại tướng như người con của quê hương mình, dân tộc mình với cái tên gần gũi: bác Văn, vị Đại tướng của lòng dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê
Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê

VOV.VN - Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tiếp tục đón nhận những tình cảm ấm nồng của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm.

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê

VOV.VN - Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tiếp tục đón nhận những tình cảm ấm nồng của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Mường Phăng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Mường Phăng

VOV.VN - Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được coi là một người thân trong gia đình đối với đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Mường Phăng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Mường Phăng

VOV.VN - Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được coi là một người thân trong gia đình đối với đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Xây dựng đại đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Xây dựng đại đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Quyết định tham mưu, chỉ đạo xây dựng các đại đoàn chủ lực; đồng thời trực tiếp chỉ huy các đại đoàn lập nhiều chiến công vang dội là một đóng góp xuất sắc, thể hiện rõ nét tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xây dựng đại đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Xây dựng đại đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Quyết định tham mưu, chỉ đạo xây dựng các đại đoàn chủ lực; đồng thời trực tiếp chỉ huy các đại đoàn lập nhiều chiến công vang dội là một đóng góp xuất sắc, thể hiện rõ nét tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.