Cảnh báo rủi ro trước sự “lớn nhanh” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
VOV.VN - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, thậm chí bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, cùng với sự “lớn nhanh” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những rủi ro đáng báo động.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành vượt trái phiếu chính phủ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong những năm gần đây có sự tăng trưởng nhanh và dần bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), điều chưa từng xảy ra trước năm 2018.
Cụ thể, năm 2018, TPDN phát hành thành công đạt 224.000 tỷ đồng, trong khi TPCP đạt 190.000 tỷ đồng. Năm 2019, TPDN phát hành thành công đạt 312.000 tỷ đồng, TPCP phát hành đạt gần 300.000 tỷ đồng. Năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành lên tới 436.000 tỷ đồng, còn TPCP phát hành khoảng hơn 330.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, lượng TPDN phát hành thành công khoảng gần 200.000 tỷ đồng, trong khi TPCP phát hành đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với sự “lớn nhanh” của thị trường TPDN là những rủi ro đáng báo động. Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, về cơ cấu mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
“Tại Mỹ, hệ thống ngân hàng chia làm hai phân khúc gồm ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong đó, chỉ có ngân hàng đầu tư mới được phép hỗ trợ phát hành trái phiếu. Trái lại, tại Việt Nam, các ngân hàng rất đa chức năng, đồng thời vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
“Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. Nhìn chung, thị trường TPDN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Với sự phát triển nóng thời gian qua, đã liên tiếp có những hồi chuông cảnh báo từ giới chuyên gia, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính lưu ý: “Đối với trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường thì rủi ro không thể xác định được giá tài sản đảm bảo của cổ phiếu đó. Hoặc cổ phiếu đó không có tính thanh khoản trên thị trường, khi doanh nghiệp xảy ra vấn đề, nhà đầu tư sẽ mất vốn đầu tư”.
Cần các chế tài xử phạt nghiêm, có tính răn đe cao
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng hư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận định, kênh dẫn vốn TPDN rất hiệu quả, nhưng không phải dành cho tất cả, mà chỉ dành cho những doanh nghiệp có nỗ lực xây dựng thương hiệu, hình ảnh, chất lượng quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chí nhất định thì mới tận dụng được kênh dẫn vốn, để huy động và phát triển mạnh hơn.
“Trên các thị trường lớn trên thế giới, thị trường TPDN không dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với những doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường trái phiếu, phải đáp ứng những tiêu chí và điều kiện nhất định về chất lượng của tổ chức phát hành, như quy mô hoạt động, uy tín trên thị trường, năng lực quản trị, mới có thể phát hành TPDN”, Tổng thư ký VBMA cho biết.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, thị trường TPDN phát triển nóng thời gian qua, ẩn giấu nhiều hệ luỵ cho nhà đầu tư. Vì vậy, trái phiếu phát hành trên thị trường, dù dưới hình thức riêng lẻ hay công chúng, đều cần có tổ chức trung gian, cần người đại diện sở hữu trái phiếu, đó là tổ chức trung gian tài chính có năng lực, giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp theo các điều kiện chào bán. Họ cũng chịu trách nhiệm trong về thủ tục pháp lý, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
“Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng điều kiện chào bán, các đơn vị này ngay lập tức phải kích hoạt điều khoản chấm dứt trước hạn, lập tức yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu. Nếu doanh nghiệp không lập tức mua lại trái phiếu, ngay lập tức xúc tiến ngay các thủ tục liên quan đến pháp lý, để siết và xử lý tài sản”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh đề xuất.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cần có các chế tài xử phạt nghiêm, có tính răn đe cao để tăng tính an toàn trên thị trường, tạo sự yên tâm cho người tham gia. Theo quy định hiện hành, phần lớn các chế tài xử phạt chỉ quy định mức xử phạt tối đa bằng tiền, chỉ có 2 hành vi vi phạm là giao dịch nội gián và thao túng thị trường chứng khoán là quy định xử phạt theo mức độ trục lợi và gây tổn hại với nền kinh tế.
“Nên chỉnh sửa, bổ sung chế tài để các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường TPDN cũng căn cứ theo mức độ trục lợi và gây thiệt hại, thì các chế tài mới có tính răn đe cao”, TS. Nguyễn Đức Độ kiến nghị./.