Việt-Trung tăng cường hợp tác báo chí, làm cầu nối trên nhiều lĩnh vực
VOV.VN -Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng: Báo chí là cầu nối quan trọng giúp nhân dân 2 nước tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị.
Tăng cường giao lưu hợp tác báo chí mang ý nghĩa quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị tích cực, củng cố nền tảng truyền thống hữu nghị về quan hệ giữa hai bên. Mới đây, Đại sứ quán (ĐSQ) Trung Quốc tại Việt nam đã tổ chức Đoàn báo chí Việt Nam sang thăm và làm việc tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ, tình hữu nghị hai bên, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
VOV phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng về những tiềm năng và cơ hội hợp tác về báo chí và các lĩnh vực khác giữa 2 nước.
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Chúng tôi tổ chức Đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Trung Quốc với mục đích thông qua chuyến thăm, truyền thông 2 nước sẽ có cơ hội trao đổi, hiểu biết nhau thêm, các nhà báo Việt Nam sẽ có những hiểu biết thực tế về đất nước và con người Trung Quốc.
Lần này chúng tôi chọn Trùng Khánh, vì Trùng Khánh khá gần Việt Nam, là thành phố quan trọng nằm ở phía Tây Trung Quốc, có tiềm năng hợp tác lớn với Việt Nam. Cùng với đó, so với vùng duyên hải Đông Nam, người Việt Nam biết đến Trùng Khánh còn ít.
Trong thời gian ở thăm, lãnh đạo Ban Tuyên truyền Thành uỷ Trùng Khánh, Uỷ ban Cải cách phát triển, Uỷ ban Kinh tế Thương mại đối ngoại, Cục Du lịch, Uỷ ban Giao thông thành phố đã có buổi làm việc và trao đổi với đoàn.
Đoàn còn đến thăm một số đơn vị thuộc ngành truyền thông như Tập đoàn phát thanh truyền hình Trùng Khánh, Tập đoàn Nhật báo Trùng Khánh, Tập đoàn xuất bản Trùng Khánh, Tập đoàn mạng Hoa Long, và các doanh nghiệp như Tập đoàn LIFAN Trùng Khánh. Các hoạt động này đã giúp các bạn Việt Nam hiểu thêm về Trùng Khánh, thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa các cơ quan báo chí hai nước, thắt chặt hơn tình cảm giữa hai bên.
PV: Có thể thấy rằng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nói chung trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, truyền thông là rất lớn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã phát huy vai trò cầu nối như thế nào để thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên?
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Hai nước Trung-Việt núi sông liền một dải, văn hoá tương đồng, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước có truyền thống lâu đời. Làm sâu sắc mối giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước là một phần quan trọng trong quan hệ Trung-Việt, cũng là kênh quan trọng giúp thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa hai nước và gắn bó tình cảm giữa nhân dân hai nước. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng hai bên sẽ triển khai hợp tác trong thời gian tới.
Đại sứ quán Trung Quốc luôn nỗ lực phát huy vai trò làm cầu nối hợp tác giao lưu, chủ yếu thông qua các mặt sau: một là, tích cực thiết lập mối liên kết giữa các địa phương, tỉnh thành hai bên; hai là, có cách tiếp cận đúng đắn trong việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nhằm đạt được những kết quả thiết thực trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi; ba là, dưới góc độ Sứ quán, chúng tôi đã đưa ra nhiều ý tưởng nhằm mở rộng hợp tác thiết thực hướng tới cùng thắng, cùng có lợi. Tôi cũng mong muốn báo chí Việt Nam sẽ quan tâm và ủng hộ công việc của Sứ quán chúng tôi.
PV: Qua chuyến thăm này, Đại sứ quán Trung Quốc có dự định gì nhằm tăng cường hơn nữa giao lưu hữu nghị Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ hai nước, đặc biệt là quan hệ giữa báo chí hai nước?
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức Đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Trung Quốc, tôi hy vọng và tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ trở thành một kênh mới giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình cảm giữa hai nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cụ thể như sau:
Một là, duy trì cơ chế trao đổi đoàn song phương. Tiếp tục phát huy vai trò điều phối của Đại sứ quán, đưa quan hệ hợp tác giao lưu hữu nghị giữa các bộ, ngành và các địa phương hai nước đi vào chiều sâu, duy trì hoạt động trao đổi đoàn thường xuyên, nhằm tăng cường hiểu biết và mở rộng quan hệ hợp tác.
Hai là, tăng cường giao lưu nhân văn. Thúc đẩy hoạt động giao lưu nhân văn trên các lĩnh vực văn hoá, khoa học giáo dục, du lịch, tiến hành định kỳ các hoạt động hợp tác giao lưu và nâng lên thành cơ chế, trên cơ sở đó tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, củng cố vững chắc nền tảng dư luận cho tình hữu nghị Trung-Việt.
PV: Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 đã kết thúc tốt đẹp tại Bắc Kinh. Xin ông cho biết kết quả của hội nghị lần này và ý nghĩa tích cực của những kết quả này trong mối quan hệ Việt-Trung?
Đại sứ Hồng Tiểu Dũng: Năm nay kỷ niệm 25 năm thành lập APEC. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 được tổ chức ở Bắc Kinh là một ngày hội lịch sử mang tính đột phá, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử hợp tác và phát triển của khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác Châu Á-Thái Bình Dương”, hội nghị lần này tập trung thảo luận 3 chủ đề chính là “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”, “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”, “Đẩy mạnh liên kết toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng” và đã thu được những kết quả tích cực.
Tại Hội nghị cấp cao APEC và Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, “một nhành hoa không làm nên mùa xuân, một cánh én đơn côi khó thành đàn”. Vì mục tiêu chung, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ đối tác Châu Á-Thái Bình Dương tin cậy, bao dung, hợp tác và cùng thắng. Nền kinh tế Trung Quốc liên kết chặt chẽ với kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, Trung Quốc sẽ tập trung tâm lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển đất nước của mình cũng như đem lại lợi ích cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc thực hiện phương châm ngoại giao thân thiện với láng giềng, làm đối tác với láng giềng và chính sách ngoại giao láng giềng hoà thuận, láng giềng yên ổn, láng giềng giàu có, quán triệt tư tưởng ngoại giao với các nước xung quanh là hữu nghị, chân thành, cùng có lợi, bao dung, sẵn sàng chung sống hòa hiếu với tất cả các nước láng giềng.
Tại đối thoại tăng cường quan hệ đối tác kết nối, Chủ tịch Tập Cận Bình phác họa bức tranh toàn cảnh mới về kết nối Châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch nhấn mạnh, “kết nối” mà chúng ta hướng tới không đơn thuần là xây cầu làm đường, là kết nối phẳng và đơn tuyến, mà phải là sự thống nhất trên cả ba phương diện cơ sở hạ tầng, cơ chế quy định và giao lưu con người, là sự kết nối đồng thời trên 5 lĩnh vực: liên kết chính sách, kết nối hạ tầng, thông thoáng thương mại, thông suốt nguồn vốn, lòng người tương thông. Đây là mô hình kết nối vĩ mô toàn diện, lập thể và kết thành mạng lưới, đồng thời là một hệ thống mở đầy sức sống, huy động được nguồn lực và chính sách chung.
Những đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị cấp cao APEC mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, không chỉ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn mang đến những cơ hội lớn trong phát triển quan hệ Trung-Việt. Hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam có ưu thế riêng, có tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC, Chủ tịch hai nước Trung-Việt đã có cuộc gặp gỡ thành công và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng. Hai nước cần thực thi nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước, tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực trọng điểm như kết nối tài chính, hàng hải, hướng tới cùng có lợi và cùng thắng. Điều này phù hợp với lợi ích căn bản của nhân hai nước, đồng thời sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
PV: Xin cảm ơn đại sứ!./.