Doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn
VOV.VN - Trước nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn.
Trước nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn vào những tháng cuối năm cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang tăng cường hướng dẫn việc tái đàn cũng như khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn ở nhiều địa phương.
Nếu như năm 2016, cả nước có gần 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học thì đến năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.
Nuôi lợn an toàn sinh học giúp hạn chế việc bệnh tật, lây lan diện rộng. |
Trên thực tế nhiều mô hình và kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học đã được triển khai thời gian qua với nhiều phương thức đa dạng và phong phú nhưng do lo ngại dịch tiếp tục bùng phát nhiều địa phương vẫn e dè trong việc tái đàn.
Với 15 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở 6 xã của 5 huyện trong tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khi các địa phương xung quanh đã ghi nhận dịch bùng phát thì đàn lợn gần 1.000 con của Tập đoàn Quế Lâm vẫn đảm bảo an toàn, và chuẩn bị tái đàn lứa thứ 3 phục vụ thực phẩm dịp Tết sắp tới.
Bà Phạm Thị Vượng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học của Tập đoàn Quế lâm cho biết, chăn nuôi lợn hữu cơ có ứng dụng công nghệ vi sinh lợn hoàn toàn được "nuôi khô", không nước tắm, rửa chuồng cho lợn nên nếu lợn có mắc bệnh thì việc khu trú dịch rất dễ, không để dịch lây lan. Tập đoàn đã tái đàn thành công tại những tỉnh như: Vĩnh Phúc, Sơn La, Thái nguyên là những nơi đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Sắp tới, cùng với địa phương Tập đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này.
Theo bà Phạm Thị Vượng, nếu bà con muốn tái đàn thì mỗi hộ chăn nuôi, gia trại phải tìm nguyên nhân lợn mắc bệnh. "Cái khó nhất nếu như bà con nuôi khô nghĩa là nuôi trên đệm lót sinh học thì việc tái đàn, khu trú dịch dễ hơn. Còn nếu chăn nuôi không an toàn sinh học hoặc thả rông ra môi trường thì phải kiểm soát bài bản thì mới tái đàn an toàn. Tức là bên cạnh khử trùng chuồng trại thì phải khử trùng những vùng đệm. Trước khi tái đàn có thể chúng ta xử lý bằng các hóa chất", bà Vượng nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi lưu ý, cùng với làm tốt việc kiểm soát nguồn dịch bệnh vào khu chăn nuôi, biện pháp kỹ thuật quan trọng trong tái đàn đó là ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học với sử dụng các chế phẩm vi sinh. Qua nghiên cứu các mô hình thí điểm ở các địa phương, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 đã giảm 20% so với tháng 7, và giảm gần 50% so với tháng 5. |
Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: "Sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp chúng ta không phải dùng hóa chất hay không dùng kháng sinh. Qua đó giảm giá thành, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo môi trường tốt cho vi sinh phát triển nhất là những vi sinh vật có lợi trong các chế phẩm vi sinh. Tôi cho rằng phải tuyên truyền cho người chăn nuôi đó là các cán bộ khuyến nông ở cơ sở, các doanh nghiệp chăn nuôi an toàn và cung cấp chế phẩm. Đây là chủ trương của Bộ, theo đó khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm vi sinh trong nước".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bộ vẫn giữ quyết tâm phấn đấu giữ vững mục tiêu tăng trưởng và 12 chỉ tiêu mà Chính phủ giao. Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin đặc trị nên tỷ lệ chết cao, tổng đàn lợn cả nước đến nay đã giảm khoảng 7%. Mặc dù vậy, việc thiếu hụt nguồn thịt lợn cuối năm không đáng lo ngại bởi có thể bù đắp bằng các loại thực phẩm khác như: gia cầm, thủy sản, đại gia súc…
Liên quan đến tái đàn chăn nuôi đáp ứng nguồn cung thực phẩm và ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
Vấn đề dịch tả lợn Châu Phi phải xác định song hành lâu dài vì chưa có thuốc chữa nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: "Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm lây truyền qua vi rút chưa có vắc xin nên không chủ quan phòng chống dịch tả lợn châu Phi vẫn phải duy trì và tăng cường trong từ nay đến cuối năm để đảm bảo sản lượng thịt và đảm bảo chỉ số tiêu dùng CPI của xã hội. Tôi tin chắc chắn rằng với sự phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học nhân rộng ở những tỉnh, thành trong cả nước thì lượng thực phẩm cung cấp trong dịp Tết sắp tới sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu của xã hội và CPI cũng sẽ được đảm bảo".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 đã giảm 20% so với tháng 7, và giảm gần 50% so với tháng 5. Đây là kết quả khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học thời gian qua trong ngăn chặn và thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi./.
Chăn nuôi lợn sau dịch đón giá tăng kỷ lục