Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết Hiến Pháp 1992

Hiến pháp năm 1992 không chỉ là văn kiện nền tảng có giá trị pháp lý tối cao, quy định những vấn đề cơ bản và trọng yếu nhất của một quốc gia, mà còn là bản tuyên ngôn về sự tồn tại của một dân tộc trên bản đồ thế giới.  

Sáng 3/8, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập Pháp thuộc Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết Hiến pháp 1992”. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu các tỉnh thành phố miền Trung và Nam Bộ.

Mục đích của hội thảo là nhằm trao đổi, thảo luận để làm rõ sự cần thiết và giá trị của hoạt động tổng kết việc thi hành Hiến pháp cũng như xây dựng hệ thống tiêu chí, phương pháp tổng kết Hiến pháp. Từ đó, nêu được những luận cứ xác thực về nhu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp và xác định phạm vi, nội dung cần sửa đổi, góp phần phục vụ cho Quốc hội có cơ sở khoa học xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong thời gian tới, đặc biệt trong công tác tổng kết việc thi hành Hiến pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Hiến pháp không chỉ là văn kiện nền tảng có giá trị pháp lý tối cao, quy định những vấn đề cơ bản và trọng yếu nhất của một quốc gia, mà còn là bản tuyên ngôn về sự tồn tại của một dân tộc trên bản đồ thế giới. Đây cũng là Hiến pháp không thể thiếu của nhà nước dân chủ hiện đại, một văn kiện mang tính pháp lý, chính trị sâu sắc thể hiện bản chất, đường lối, định hướng và mục tiêu phát triển của một đất nước trong một giai đoạn lịch sử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định cho Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng của toàn dân. Trong đó, tổng kết việc thi hành Hiến pháp là một trong các hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong quy trình lập hiến của nước ta.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, hội thảo được tổ chức tại thời điểm Việt Nam gia nhập sâu rộng vào thế giới là rất hợp lý.

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chung về sửa đổi Hiến Pháp, ý nghĩa của nó trong tổng kết thi hành Hiến pháp kỹ thuật lập hiến của nước ta qua các bản hiến Pháp 1946, 1959, 1980, và 1992; xác định một số nội dung sửa đổi Hiến Pháp 1992./.