Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19: "Dù vất vả chúng tôi vẫn không chùn bước"

VOV.VN - “Dịch lần này vất vả hơn những lần trước rất nhiều. Chúng tôi dường như phải dồn hết sức lực để cứu chữa người bệnh nhưng không vì thế mà chùn bước. Mọi người đều động viên nhau cố gắng” - nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Dung, 28 tuổi, công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được 6 năm. Hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Dung và các đồng nghiệp vẫn lặng lẽ, bền bỉ chiến đấu với dịch bệnh, tận tình chăm sóc, cứu chữa nhiều người bệnh thoát khỏi cửa tử.

Dồn hết sức lực để cứu chữa bệnh nhân

Khác với các đợt dịch trước, dịch COVID-19 lần này diễn biến khó lường, biến chủng mới, bệnh nhân đông và diễn biến nặng nhanh. Thời điểm này, Khoa Cấp cứu có khoảng hơn 30 bệnh nhân. Dung cùng 3 nữ điều dưỡng khác phải thường xuyên thay phiên nhau phục vụ, chăm sóc người bệnh.

Một ca trực của Dung kéo dài khoảng 6-8 tiếng. Trước khi vào chăm sóc bệnh nhân, Dung cũng như các nhân viên y tế đều phải trang bị đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Dung chia sẻ, đợt dịch này Khoa tiếp nhận khá đông bệnh nhân nên thường mỗi ca trực còn kéo dài hơn thời gian quy định. Giữa tiết trời nắng nóng, nhiệt độ 37-39 độ C, sau ca trực, bộ quần áo đồng phục của Dung đều ướt sũng, có thể vắt ra nước.

Là người chưa vướng bận gia đình nên khi có lệnh điều động của lãnh đạo bệnh viện, Dung luôn là một  trong những nhân viên xung phong đầu tiên. Nữ điều dưỡng chia sẻ, đợt dịch này bệnh nhân đông, biến chủng phức tạp nên các nhân viên y tế đều vất vả hơn năm trước rất nhiều, ai cũng phải dồn hết sức lực để cứu chữa người bệnh.

Đặc thù của Khoa Cấp cứu hầu hết là các bệnh nhân nặng, rơi vào tình trạng hôn mê, thở máy, nằm bất động một chỗ nên công việc của các điều dưỡng ở khoa này cũng vất vả hơn các khoa khác rất nhiều. Họ phải chăm sóc các bệnh nhân từ việc cho bệnh nhân ăn, uống thuốc đến tắm gội, thay bỉm. Đồng thời phải luôn luôn theo dõi bệnh nhân thiếu gì, cần gì để hỗ trợ kịp thời.

Trước và trong ca làm, chị Dung đều hạn chế ăn, thậm chí không dám uống nước vì sợ ảnh hưởng đến công việc. Chỉ trừ khi quá mệt, chị sẽ ra khu vực nghỉ ngơi tranh thủ uống chút nước, nghỉ khoảng 5-10 phút, sau đó mặc một bộ bảo hộ khác để tiếp tục làm việc.

“Vào làm việc, mồ hôi đầm đìa, cảm giác như mất nước, sau khi kết thúc công việc, điều đầu tiên là tìm nước để uống, khi ấy cảm giác như thấy nguồn sống. Tôi tham gia chống dịch từ đầu đến giờ, chưa có lần nào vất vả như lần này. Bệnh nhân đông nên bệnh viện huy động hết nhân lực để tham gia nên cũng không có ai để thay, đổi ca để nghỉ ngơi” - điều dưỡng Dung chia sẻ.

Có thời điểm bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nặng từ Bắc Ninh chuyển lên trong đêm, chị Dung lại được huy động hỗ trợ cùng các y bác sĩ thưc hiện ép tim, làm các thủ thuật đến 3h sáng. Mặc dù rất mệt, đôi chân cảm tưởng không còn trụ vũng được nữa nhưng chứng kiến bệnh nhân qua cơn nguy kịch, thoát khỏi tử thần, họ dường như quên hết mệt mỏi, động viên nhau cùng cố gắng.

Niềm mong mỏi lớn nhất của Dung lúc này là dịch nhanh chấm dứt để cuộc sống sớm trở lại bình thường, để Dung được về thăm bố mẹ. “Tôi mong rằng mọi người hãy chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết và tuân thủ 5K để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, để đội ngũ nhân viên y tế đỡ vất vả, sớm được đoàn tụ với gia đình” - chị Dung chia sẻ.

Đến thời điểm này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 53 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Dù mệt nhưng chúng tôi không chùn bước, nản chí

BS Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã hơn 1 năm cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, thực hiện nhiệm vụ điều trị, cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

BS Phúc chia sẻ, từ đầu đợt dịch đến bây giờ, vụ dịch lần này có kỷ lục số bệnh nhân nhiều nhất, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Trong đêm 15/5 vừa qua, bệnh viện đã phải huy động hầu hết số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài để theo dõi 18 bệnh nhân diễn biến nặng, đồng thời thực hiện chạy ECMO cho 1 bệnh nhân nguy kịch. “Đó là một đêm đáng nhớ với nhiều “kỷ lục” đáng buồn. Khoa Hồi sức tích cực phải liên tục tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân. Các y bác sĩ đã thức trắng đêm để cấp cứu cho người bệnh, trong đó có một bệnh nhân diễn biến nguy kịch” - BS Phúc cho biết.

Đợt dịch nào cũng vất vả, nhưng lần này số lượng bệnh nhân tiến triển nặng nhanh, nhiều trường hợp kèm theo bệnh nền nên đòi hỏi các y bác sĩ phải can thiệp nhiều thủ thuật. Vì vậy, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp nhiều lần so với đợt dịch trước.

“Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là rất mệt, nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước, nản chí. Chúng tôi đều luôn sẵn sàng, động viên nhau cùng cố gắng chiến đấu để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, mang lại bình yên và sức khoẻ cho cả cộng đồng” - BS Phúc chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Y tế mong COVAX sớm tiếp tục cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam
Bộ Y tế mong COVAX sớm tiếp tục cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam

VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy để COVAX sớm cung ứng thêm vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam trong tháng 7, 8 và 9/2021.

Bộ Y tế mong COVAX sớm tiếp tục cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam

Bộ Y tế mong COVAX sớm tiếp tục cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam

VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy để COVAX sớm cung ứng thêm vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam trong tháng 7, 8 và 9/2021.

7 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải chạy ECMO
7 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải chạy ECMO

VOV.VN - Từ 27/4/2021 đến nay có 5.298 ca mắc, trong đó có 4.756 ca đang điều trị (88,11%). Hiện có 7 bệnh nhân nguy kịch phải chạy ECMO.

7 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải chạy ECMO

7 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải chạy ECMO

VOV.VN - Từ 27/4/2021 đến nay có 5.298 ca mắc, trong đó có 4.756 ca đang điều trị (88,11%). Hiện có 7 bệnh nhân nguy kịch phải chạy ECMO.

Cận cảnh bác sĩ đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch
Cận cảnh bác sĩ đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

VOV.VN - Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 235 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 52 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Cận cảnh bác sĩ đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

Cận cảnh bác sĩ đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch

VOV.VN - Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 235 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 52 bệnh nhân nặng và nguy kịch.