Việt Nam là một trong những quốc gia phổ cập danh tính số từ rất sớm
VOV.VN - Việc định danh chính xác cá nhân, tổ chức trên môi trường số mở ra bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ.
Chia sẻ tại hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp” diễn ra ngày 9/10, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an khẳng định 3 hệ thống gồm Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, căn cước công dân và hệ thống định danh điện tử là nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, CSDL quốc gia về dân cư chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2021 với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu “gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam. Đây cũng là CSDL dùng chung của Chính phủ để kết nối với CSDL của các bộ, ngành, địa phương tạo nên sự liên thông dữ liệu phục vụ quản lý dân cư bằng phương thức hiện đại; đồng thời làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giảm bớt các giấy tờ, khai báo thông tin, đơn giản hóa hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Công an đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân Việt Nam, qua đó mở ra cơ hội cho việc phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với nền tảng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, Bộ Công an đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử, chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.
“Việt Nam đã trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới. Việc định danh chính xác cá nhân, tổ chức trên môi trường số mở ra một bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ trên không gian mạng, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia”, Đại tá Vũ Văn Tấn nhấn mạnh.
Ngoài các hệ thống trên, Bộ Công an còn cùng với các bộ, ngành phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình Đề án 06 của Chính phủ.
Đến nay, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã kết nối với 12 đơn vị bộ ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; tích hợp định tài khoản định danh và xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công và triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu đã được triển khai mức 3, 4 với tổng số hồ sơ thực hiện qua cổng dịch vụ công là 4,5 triệu hồ sơ, 137,8 triệu trạng thái.
Đáng chú ý, việc sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ bảo hiểm y tế đạt 87% tổng số cơ sở y tế trên toàn quốc; với 2,5 triệu lượt công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế; đã tích hợp và tạo lập dữ liệu dùng chung cho hơn 27 triệu công dân tham gia đóng bảo hiểm y tế.
Bộ Công an còn triển khai các giải pháp sử dụng thẻ CCCD gắn chip để xác thực thông tin để thực hiện rút, nạp tiền tại ATM và thực hiện các giao dịch điện tử trên ứng dụng của ngân hàng, giao dịch điện tử tại quầy nhanh chóng, an toàn, bảo mật và tự động điền vào các biểu mẫu góp phần tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, người dân và giảm thiểu rủi ro trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh xác thực điện tử đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn, kể như: tiết kiệm tối thiểu 50 tỉ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi trực tuyến; tiết kiệm 5.385 tỉ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ ATM trên cả nước; Bảo hiểm xã hội không phải phát hành thẻ bảo hiểm y tế tiết kiệm ngân sách nhà nước./.