Vì sao hơn 90% cơ quan nhà nước có thể dễ dàng dính mã độc?
VOV.VN - Hơn 90% cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới có thể bị lây nhiễm mã độc vì các thư điện tử (email) giả dạng email cơ quan cấp trên gửi tới.
Tại hội thảo Netpoleon Solution Days 2019, với chủ đề “An toàn an ninh mạng trong thế giới số” diễn ra hôm nay (14/8) tại Hà Nội, ông Đỗ Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông Tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết hơn 2.500 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công, hàng trăm nghìn máy tính bị nhiễm mã độc chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019.
Ông Đỗ Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông Tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ |
Riêng trong ngày 29/7, Ban Cơ yếu Chính phủ ghi nhận 42.000 cuộc tấn công của mã độc thông qua thư điện tử (email) tới hệ thống các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Cá biệt, đơn vị cũng phát hiện những mã độc được thiết kế riêng cho từng cơ quan riêng biệt để đánh cắp thông tin, dữ liệu dù máy chủ của hệ thống có thể không kết nối internet.
Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước bị tấn công qua hình thức giả mạo email ở mức cao là do nhận thức của con người.
Qua kiểm tra, có tới hơn 90% cơ quan cấp dưới có thể bị lây nhiễm mã độc khi dễ dàng nhấn vào các đường link hoặc mở các email do vào email giả dạng email cơ quan cấp trên gửi tới. Ngoài ra, việc sử dụng email cá nhân để giải quyết mọi công việc vẫn là thói quen của không ít công chức, mặc dù đã được cơ quan chức năng cấp email công vụ.
“Nếu ở Mỹ, bà Hillary Clinton bị mất lượng lớn phiếu khi tranh cử Tổng thống chỉ vì dùng email cá nhân để giải quyết công việc thì ở Việt Nam, email cá nhân được sử dụng như phương tiện giải quyết công việc chủ yếu, bất chấp dù mỗi công chức đều đã được phát một email công việc. Điều này cho thấy ý thức bảo vệ an toàn thông tin cá nhân ở Việt Nam còn nhiều hạn chế”, ông Thắng nêu ý kiến.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 4 thế giới về phát tán thư rác và thư điện tử có mã độc. (Nguồn: Ban Cơ yếu Chính phủ) |
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia, hãng bảo mật đã đưa ra nhiều giải pháp công nghệ mới nhất nhằm bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng như thiết bị tường lửa thế hệ mới giúp chống thất thoát dữ liệu người dùng, giải pháp về hệ sinh thái bảo mật, mạng wifi thế hệ mới giúp bảo mật thông tin tốt hơn mạng wifi hiện nay hay phần mềm giám sát hành vi người dùng để xem người dùng có truy cập vào những trang web bất thường hoặc máy chủ mà họ không được phép hay không… Từ đó giúp đội ngũ quản trị phản ứng nhanh nếu có sự cố xảy ra và giảm thiểu thời gian khắc phục sự cố.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, chuyển đổi số có thể góp phần giúp tăng năng suất lao động lên tới 21% vào năm 2020. Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ngân hàng sẽ là ba lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất. Đây cũng là những lĩnh vực được tập trung nhiều giải pháp bảo mật nhất trong thời gian tới./. Các vụ mất an toàn thông tin chủ yếu do ý thức của người dùng