Làng mộc Chàng Sơn: Ngôi làng nuôi giữ tinh hoa Việt

VOV.VN - Chàng Sơn tự hào là nơi làm ra những bộ tràng niên, tràng kỷ công phu trong từng đường nét. 

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, làng nghề mộc Chàng Sơn, thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội vốn đã nổi tiếng từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề mộc ở Chàng Sơn không bị mai một mà ngày càng phát triển. Các sản phẩm mộc của làng ngày càng vươn xa, chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc. Mảnh đất đầy nắng và gió này, tự hào là nơi làm ra những bộ tràng niên, tràng kỷ với sự sáng tạo, công phu trong từng đường nét. 

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến đang chế tác sản phẩm. (Nguồn VOV5.VN) 

Làng Chàng Sơn xưa có tên gọi là Nủa Chàng. Với bao thế hệ người dân nơi đây, nhắc đến tên làng là nhắc đến nghề mộc, bởi Chàng chính là một dụng cụ đặc trưng khi làm nghề. Nhưng hiện nay, ngay cả các cụ cao niên, nghệ nhân cao tuổi cũng không biết nghề mộc của làng có từ bao giờ. Nghệ nhân Đỗ Phi Thường nghe kể lại rằng, làng Chàng Sơn không phải mới xây dựng, mà có từ thời Hùng Vương. Những người thợ mộc của làng đã từng tham gia làm đền thờ thánh Tản Viên, hay các đình chủa ở quê có từ thế kỷ thứ 3.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, làng mộc Chàng Sơn thời nào cũng có nhiều người thợ tài hoa, có thể làm nên những công trình đi vào giai thoại. Nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến được nhiều người biết đến bởi đôi bàn tay khéo léo, làm nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến tính đến nay là 4 đời làm nghề mộc. Năm nay ông Tiến hơn 60 tuổi và ông cũng không thể nhớ mình đã làm ra biết bao sản phẩm. Ông cũng tự hào khi mà nhiều người thích đồ mộc tìm đến Chàng Sơn thì nhiều người đều hỏi đến ông và đặt hàng.

Sản phẩm của làng mộc Chàng Sơn làm ra được bán cho khách thập phương, từ những người bình dân đến những khách hàng khó tính nhất. Làng mộc Chàng Sơn được biết đến với những sản phẩm được sản xuất tinh tế, công phu như sập gụ, tủ chè, cửa võng, hoành phi câu đối, chạm, khắc đình chùa và các đồ gia dụng khác.

Bằng sự tài hoa, khéo léo, những người thợ Chàng Sơn để lại dấu ấn trên nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ nổi tiếng. Đặc biệt phải nhắc đến chùa Tây Phương với hơn 70 pho tượng trong chùa và 18 pho tượng La Hán. Tượng nào cũng được tạc vô cùng công phu, tinh xảo.

Cái khó của nghề mộc Chàng Sơn chính là sự tỉ mỉ, cần cù. Người học phải theo đuổi rất lâu mới có thể thành nghề. Thế nhưng khi sống lâu trong nghề, mỗi người thợ ở đây lại có những bí quyết, những nguyên tắc riêng để tạo ra một sản phẩm ưng ý.

Một sản phẩm tranh gỗ mộc Chàng Sơn: (Nguồn kinhtedothi.vn)

Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc và năng suất cũng cao hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà những sản phẩm mộc của xóm Chàng mất đi giá trị của mình. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh tế, mà chỉ có chính đôi bàn tay của người thợ Chàng Sơn mới có thể làm ra. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng những sản phẩm của làng nghề này.

Những sản phẩm làm ra không có bảo hành nhưng chứa đựng trong đó là cả tâm hồn, danh dự của người làm nghề. Ngày nay, với sự pha trộn các không gian văn hóa, kiến trúc, sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nghề mộc Chàng Sơn càng có cơ hội phát huy tinh hoa của làng nghề xưa.

Đặc biệt Chàng Sơn còn khẳng định vị thế vững chắc trong nghề làm nhà gỗ. Các thế hệ như anh Nguyễn Huy Khiêm là con trai của nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến vẫn đang tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc làng nghề, phát huy tốt sự nghiệp của gia đình. Những công trình nhà cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt được ra đời từ đó và hơn hết là phục vụ chính nhu cầu của người dân. Anh Khiêm cho biết, giờ đây người dân có xu hướng xây dựng các ngôi nhà gỗ, nhất là những ngôi nhà thờ của dòng họ. Và khi nhắc đến nhà gỗ thì khách hàng lại tìm về Chàng Sơn.

Đàn ông ở trong làng hầu như đều theo nghề mộc. Khắp làng Chàng Sơn đi đến đâu cũng nhộn nhịp tiếng xẻ gỗ, tiếng đục, tiếng đẽo lách cách, xen vào đó là tiếng xè xè của máy chà. Tất cả như một bản hòa âm sống động, tươi vui, mỗi ngày đều âm vang trên mảnh đất thân thương này.

Mặc sự xoay vần của thời gian, những nghệ nhân làng Chàng vẫn miệt mài thổi hồn vào gỗ để lại những dấu ấn đậm nét trên từng tác phẩm. Những bức tranh cầu kì, sống động, những pho tượng lỗng lẫy, vàng son, vừa gần gũi lại vừa thiêng liêng. Những tác phẩm ấy không chỉ thể hiện trí tuệ, tài hoa của những nghệ nhân làng Chàng mà còn gửi vào đó niềm tôn kính, ước vọng tạo nên những giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gần 200 gian hàng tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam 2018
Gần 200 gian hàng tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam 2018

VOV.VN - Tối 17/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT khai mạc hội chợ làng nghề Việt Nam năm 2018, với sự tham gia của gần 200 gian hàng của các  làng nghề. 

Gần 200 gian hàng tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam 2018

Gần 200 gian hàng tham gia hội chợ làng nghề Việt Nam 2018

VOV.VN - Tối 17/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT khai mạc hội chợ làng nghề Việt Nam năm 2018, với sự tham gia của gần 200 gian hàng của các  làng nghề. 

Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0
Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0

VOV.VN - Để bước đi vững chắc trong hội nhập, làng nghề cần lấy công nghệ là mũi nhọn để sản xuất thương mại, đầu tư có chiều sâu vào sản phẩm thủ công.

Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0

Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0

VOV.VN - Để bước đi vững chắc trong hội nhập, làng nghề cần lấy công nghệ là mũi nhọn để sản xuất thương mại, đầu tư có chiều sâu vào sản phẩm thủ công.