Đòn bẩy từ M&A tạo cú hích kinh doanh
VOV.VN - Tái cấu trúc các hoạt động, chiến lược kinh doanh thông qua các thương vụ mua bán & sáp nhập (M&A) vẫn diễn ra đều đặn và liên tục, bất chấp tình hình bị dịch bệnh ảnh hưởng bởi Covid-19.
Nếu tận dụng tốt thời cơ, công cụ M&A sẽ là những cú hích đáng kể trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn tư nhân.
Thị trường M&A vẫn “được mùa”
Khi Covid-19 xuất hiện, dòng vốn chảy vào các thương vụ mua bán sáp nhập đã bị chững lại. Thống kê tại diễn đàn M&A mới đây do Báo Đầu tư tổ chức, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 ước suy giảm 51% so với cùng kỳ, ước đạt 3,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, dòng tiền M&A vẫn chưa bao giờ ngừng chảy trong nhiều tham vọng khác nhau của doanh nghiệp, từ mở rộng thị trường cho đến tích lũy, xây dựng hệ sinh thái.
Trong những tháng đầu năm nay, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, các thương vụ M&A có quy mô lớn vẫn diễn ra đều đặn. Chẳng hạn, ở lĩnh vực bán lẻ nổi trội là thương vụ chuyển nhượng hệ thống bán lẻ Vincommerce giữa hai tập đoàn lớn Masan và Vingroup. Chưa hết, Masan còn thâu tóm cả bột giặt Net, mua lại mảng kinh doanh Vonfram của H.C. Starck. Ở ngành hàng sản xuất, Vinamilk cũng mở rộng năng lực cạnh tranh qua việc mua lại Sữa Mộc Châu.
Lĩnh vực tài chính cũng sôi động không kém với các thương vụ bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư ngoại, như BIDV với Keb Hana Bank, hay Aozora (Nhật Bản) mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của Ngân hàng OCB. Dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc cũng chảy mạnh vào các công ty chứng khoán.
Trên lĩnh vực bất động sản, dòng tiền M&A cũng chảy “cuồn cuộn”, trái ngược với những lo ngại về sự ảm đạm xuống do dịch Covid-19. Trên thực tế, dòng tiền đến và đi vẫn còn rất sôi động trên thị trường thứ cấp, cùng với những kỳ vọng mới về thị trường.
Chẳng hạn, Novaland một mặt đang đẩy mạnh hoạt động thoái vốn các dự án đạt tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng. Mới đây, HĐQT đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Sun City. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tính đến hết quí 3/2020, Novaland đang nắm giữ 49% vốn của Sun City với giá trị sổ sách 955,5 tỉ đồng. Ngoài ra, Novaland còn thoái vốn tại Công ty TNHH Nova Nippon, hiện nắm giữ hơn 99,9% vốn điều lệ 3.908 tỉ đồng. Mặt khác, Tập đoàn này cũng tiết lộ vừa chốt giao dịch quỹ đất quy mô 286 ha ở Đồng Nai, cùng một số thương vụ khác ở các địa phương khác, tổng giá trị giao dịch gần 1 tỷ USD.
Các thương vụ M&A trong năm qua giúp cải thiện kết quả hoạt động trong năm với nhiều đóng góp tài chính quan trọng, ghi điểm với nhà đầu tư trên thị trường. Không chỉ có trường hợp Novaland ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng đạt 2.562 tỉ đồng, việc tiếp quản Vincommerce cũng đã giúp Masan tăng 23.678 tỉ đồng, tương ứng 42,5% quy mô tổng doanh thu.
Ngoài những giá trị tài chính hiện hữu về doanh thu hay lợi nhuận có thể thấy ngay lập tức, một giá trị khác mà hoạt động M&A mang lại cũng quan trọng không kém, đó là những toan tính về mặt chiến lược kinh doanh và định hướng thị trường trong nhiều năm tới của các nhà lãnh đạo. Khi đó, M&A được xem như là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Thị trường, người đến và đi đều hưởng lợi
Có thể thấy, nhiều thương vụ M&A không chỉ giúp định hình lại năng lực tài chính của người bán, mà còn mở ra các cơ hội mới cho các bên tham gia. Có những thương vụ giúp sinh ra lợi nhuận ngay lập tức, nhưng cũng những thương vụ giúp tạo tiền đề cho tương lai. Khi đó, M&A được xem như là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp “hoàn chỉnh” những mảnh ghép còn thiếu. Ở trường hợp của Masan, đó là mục tiêu trở thành tập đoàn “tiêu dùng bán lẻ tích hợp online – offline”.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, M&A còn là công cụ đắc lực ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực đòi hỏi khả năng luân chuyển dòng vốn lớn như bất động sản. “M&A đang là công cụ để chúng tôi tái cấu trúc và mở rộng theo hướng đa ngành”, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính, Tập đoàn Novaland chia sẻ.
Lần theo lịch sử, tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Thành Nhơn, thành lập năm 1992. Năm 2007, Công ty tái cấu trúc lần thứ nhất, thành lập Nova Group với 2 công ty thành viên là Tập đoàn Novaland (tập trung vào lĩnh vực Bất động sản) và Tập đoàn Anova (tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm sạch…).
Thị trường biết tiếng nhiều hơn về các thương vụ M&A quỹ đất của Novaland. Tuy vậy, với thế mạnh của Anova, ban lãnh đạo Nova Group cũng đang cân nhắc tận dụng những lợi thế sẵn có, bề dày hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để mở rộng, thâm nhập sâu, hoàn thiện chuỗi cung ứng trong ngành hoặc mở rộng ra các ngành hàng nhiều tiềm năng khác như bán lẻ, F&B… Và để thực thi chiến lược đó thì M&A sẽ là một công cụ quan trọng.
“Nếu chỉ là phát triển nhà ở đơn lẻ thì chúng tôi khó có thể thực hiện sứ mệnh mục tiêu chung từ trước đến nay là kiến tạo cộng đồng, xây dựng điểm đến và vun đắp niềm vui cho khách hàng. Các hoạt động khác như giải trí, thể thao, y tế hay giáo dục, dù là tự xây dựng hay M&A để tích lũy, chúng tôi muốn “đóng gói” lại và đưa đến một dịch vụ tổng thể cho khách hàng” - ông Phiên nói.
Theo ông Phiên, đánh giá hiệu quả của M&A thì hiệu quả về mặt tài chính mới chỉ là một phần. Yếu tố thứ hai là giúp cho doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, hoặc mở rộng về mặt sản phẩm, tiếp cận thị trường; còn yếu tố thứ ba là chú trọng phát triển bền vững, đem lại giá trị lâu dài cho cổ đông và cả cộng đồng.
“Một trong những giá trị mà chúng tôi theo đuổi là đem lại cho cư dân trong dự án là kiến tạo cộng đồng. Do đó, khi đánh giá một thương vụ M&A, Nova Group xem xét đồng thời cả 3 yếu tố (i) lợi nhuận (ii) giá trị đem lại cho thương hiệu, doanh nghiệp (iii) giá trị đem lại cho cộng đồng. Vì thế có thể có một vài dự án có thể lợi nhuận chưa đáp ứng được nhưng nếu đem lại giá trị cộng hưởng cho Doanh nghiệp, cho cộng đồng thì Nova Group vẫn xem xét và triển khai” - ông Phiên chia sẻ.
Hoạt động M&A trong thời gian tới cũng được giới doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đẩy mạnh. Tuy nhiên, một xu hướng mới có thể nhận thấy là M&A ngày nay mang tính hợp tác chiến lược nhiều hơn là thôn tính, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận. Cùng với các chính sách đồng bộ hơn, các cú hích M&A sẽ tạo lực đẩy cho doanh nghiệp tư nhân sớm tăng năng lực và quy mô trong nền kinh tế ngày càng mở cửa.
M&A cũng được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại vào giữa năm 2021. Theo báo cáo đánh giá của thị trường Euromonitor International, Việt Nam là trong những thị trường M&A doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm./.