"Dọn ổ đón đại bàng", Thanh Hoá đón dòng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước
VOV.VN - “Doanh nghiệp thành công – Thanh Hóa phát triển” là phương châm thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa. Để đảm bảo cho đôi bên cùng có lợi, các chính sách “dọn ổ đón đại bàng” đã được tỉnh thực hiện quyết liệt và thực chất trong những năm qua.
Thanh Hóa tăng sức cạnh tranh
Tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá để thu hút dòng vốn đầu tư. Trong đó, đột phá về thể chế đã đi trước, có tính chất khơi dòng. Cụ thể, kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2020 vừa được công bố vào tháng 6 năm nay, có tới 88,7% người dân và doanh nghiệp hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh này. Tỉ lệ này thuộc nhóm cao, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020, nhiều tiêu chí của Thanh Hóa cũng tăng điểm mạnh so với năm trước đó, như khả năng gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, chi phí thời gian, chi phí không chính thức hay các dịch vụ hỗ trợ đi kèm … Cán bộ, công chức các sở ngành đều đã thuộc nằm lòng nguyên tắc “2 đồng hành”, “3 cam kết” với doanh nghiệp, như một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Điều này đã tạo dựng được lòng tin cho các nhà đầu tư.
Sức hấp dẫn của Thanh Hóa còn nằm ở cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính mà không địa phương nào có được. Một ví dụ là khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha được lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, được phép áp dụng mức ưu đãi hấp dẫn nhất cả nước.
Nhưng nền tảng quan trọng của sự phát triển đến từ những đột phá về cơ sở hạ tầng. 43 tuyến đường bộ quan trọng hoàn thành từ nay tới năm 2025 sẽ đưa Thanh Hóa trở thành tâm của một vòng tròn có bán kính quét sang Lào, lên Tây Bắc, nối cả Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và chạy thẳng ra cảng biển. Trong đó, cảng nước sâu Nghi Sơn sẽ là cửa ngõ quan trọng giúp thông thương hàng hóa của cả dải đất miền Trung ra thế giới. Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân cũng đặt mục tiêu nâng công suất tiếp nhận lên 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2025.
Trong tương lai, sẽ có thêm một cú hích quan trọng để Thanh Hóa có đủ nguồn lực tiếp tục hoàn thiện hạ tầng. Hiện dự thảo thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, đang lấy ý kiến. Nếu được Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành, nhu cầu 750 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tới sẽ giảm được nhiều gánh nặng. Hiện trên cả nước, chính sách đặc thù đang được áp dụng với Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
3 khâu đột phá đã khiến Thanh Hóa tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, đạt mức bình quân 12,1% giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 115 nghìn tỷ đồng và gần 3,6 tỷ đô la Mỹ.
Điểm mặt “đại bàng” ở Thanh Hóa
Nhìn vào những con số thống kê của Đà Nẵng, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phải thốt lên hai chữ: “lạ lùng”. “Lạ lùng là vì hơn 1 năm qua, tình hình rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhưng dòng vốn đầu tư vào Thanh Hóa vẫn rất lớn, chứng tỏ sức hấp dẫn phải rất ghê gớm”.
Là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Trần Đình Thiên cũng có cơ hội quan sát tổng thể cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư ở Việt Nam. Từ đó, không khó để nhận thấy những điểm sáng. “Thực tế cho thấy rằng, địa phương nào thu hút được các đại bàng, một cách nói ví von của các doanh nghiệp lớn, tới làm tổ, đẻ trứng thì địa phương đó “bay lên” rất nhanh. Nhưng quan trọng, con đại bàng đó không phải chỉ là mang lại giá trị GDP mà cần có sự kết nối chuỗi với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chỗ. Càng ngày, vùng đất đó sẽ càng thu hút thêm nhiều con đại bàng khác tới nữa” – Ông Thiên chia sẻ.
Điểm mặt các nhà đầu tư đang có mặt tại Thanh Hóa, bảng danh sách cho thấy có đủ “đại bàng” đã khẳng định được tên tuổi trên toàn cầu, như: Exxon Mobil, Milennium Energy, Chuwa Busan, AEON, Foxconn, Mintal, Fangda, INTCO, WHA Industrial Development PLC... các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)...
Và cũng không kể không kể tới những “đại bàng” made in Việt Nam đang tạo dựng 5 trụ cột kinh tế lớn cho Thanh Hóa, về công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, Y tế, nông nghiệp và Phát triển hạ tầng. Trong số các tên tuổi hàng đầu, không thể không kể tới những cái tên như Vingroup, Sungroup, T&T hay Eurowindow… Nhiều nhà đầu tư lớn tại địa phương cũng không bỏ lỡ cơ hội lúc này.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất với TS Trần Đình Thiên vẫn là cánh chim đầu đàn mang tên Vingroup. Ông Thiên đặc biệt chú ý tới ý tưởng mang tất cả các sản phẩm có “họ Vin” về xứ Thanh. “Cách tiếp cận xây dựng hệ sinh thái của Vingroup đang tạo sự đột phá trong phát triển, thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Sự hiện diện của hệ sinh thái này sẽ làm sáng thêm cho Thanh Hóa” – TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Có thể thấy rõ xung lực từ các thương hiệu của Vingroup tới sự phát triển của Thanh Hóa qua ví dụ Vinhomes Star City. Một khu đô thị có diện tích gần 150 ha, được đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng, với sự hội tụ của tinh hoa kiến trúc châu Âu đang là biểu tượng mới của thành phố Thanh Hóa, với chuẩn sống sánh tầm thế giới. Nhờ đó, thị trường bất động sản tại Thanh Hoá đang thiết lập mặt bằng giá trị mới./.