Cận cảnh đền Trung túc vương Lê Lai sau hỏa hoạn
VOV.VN -Đa số các cột đã bị cháy xém phần ngoài, mái, khung cửa đã bị lửa làm hư hại nặng.
Trước đó, khoảng 1h30’ sáng 1/12, người dân làng Tép bỗng nghe tiếng nổ, mùi khét, rồi lửa bốc lên tại đền Lê Lai. Hàng trăm người dân địa phương đã kêu gọi nhau đến chữa cháy.
Toàn cảnh đền Trung túc vương Lê Lai sau vụ hỏa hoạn |
Sự việc nhanh chóng được báo các cấp chính quyền. Đến khoảng hơn 3h cùng ngày, 3 xe chữa cháy (trong đó có 2 xe của Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thanh Hóa, 1 xe của kho quân sự K822 đóng quân tại huyện Ngọc Lặc) đã có mặt tại hiện trường, cùng người dân chữa cháy đền thờ Lê Lai.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, ngọn lửa đã được khống chế, dập tắt. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm phần lớn cấu kiện cột, kèo bằng gỗ to, đồ thờ cúng, các bộ sắc phong, kiệu, hòm công đức trong tòa chính điện của đền thờ đã bị cháy và hư hỏng nặng.
Phần lớn cột gỗ to trong đền đều bị lửa làm cháy xem toàn phần hoặc một phần |
Sau khi nắm bắt được sự việc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành liên quan khắc phục hậu quả vụ cháy, giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) khám nghiệm hiện trường, vào cuộc điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy.
Tỉnh cũng yêu cầu Sở VH-TT&DL Thanh Hóa báo cáo với Bộ VHTT&DL để tiến hành ngay việc đánh giá thiệt hại cụ thể sau vụ cháy tại đền thờ Lê Lai; đồng thời có kế hoạch để phục dựng lại đền thờ này trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo nơi thờ tự Trung túc vương Lê Lai, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương.
Những hàng cây trồng xung quanh đền đều bị lửa thiêu cháy |
Tỉnh cũng giao UBND huyện Ngọc Lặc tiến hành kiểm điểm xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có trách nhiệm, liên quan khi để xảy ra vụ cháy.
Đền thờ Trung túc vương Lê Lai là thờ Lê Lai, một tướng tài tham gia từ những ngày đầu tiên trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn.
Trong một lần bị giặc Minh vây hãm nghĩa quân Lam Sơn, không còn lối thoát, Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi “liều mình cứu chúa” và hy sinh anh dũng để bảo toàn lực lượng cho nghĩa quân.
Chiều 2/12, đoàn viên thành niên và học sinh xã Kiên Thọ quét dọn vệ sinh khuôn viên đền |
Cảm kích trước tấm lòng trung kiên của Lê Lai, sau khi lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đã cho lập đền thờ Lê Lai ở làng Tép - quê hương ông và lệnh cho quần thần muôn đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ của mình một ngày.
Từ đó, hằng năm nhằm ngày 21-22/8 (âm lịch), nhân dân tổ chức lễ hội Lam Kinh (hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi).
Ngoài ra, hằng năm người dân trong vùng vẫn tổ chức hội thờ Lê Lai vào ngày 8/1 (âm lịch), để nhân dân địa phương và du khách về dâng hương, tế lễ, tưởng nhớ người con trung nghĩa của dân tộc.
Vào dịp lễ hội Lam Kinh năm 2013, đền thờ Trung túc vương Lê Lai (thuộc quần thể Khu di tích lịch sử Lam Kinh) đã chính thức được công nhân là di tích cấp Quốc gia đặc biệt./.