Hạn chế sử dụng thịt lợn - lời khuyên thiếu thực tế

Những ngày gần đây, câu chuyện về giá thịt lợn tăng nhanh hơn giá vàng đã trở thành một chủ đề nóng và không còn là câu chuyện của riêng bà nội trợ nữa.

Trong nỗ lực để kiềm chế giá thịt lợn tăng cao, đại diện  ngành chăn nuôi đã khuyên người dân nên điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng theo hướng: hạn chế sử dụng thịt lợn, tăng tỉ lệ sử dụng thịt gia cầm. Chúng tôi đã thử mang lời khuyên này đi hỏi người dân thì nhận được câu trả lời rằng: kiến nghị trên thiếu tính thực tế và không thể thay đổi thói quen ngày một, ngày hai.

Đến bất cứ khu chợ nào ở nước ta, từ nông thôn đến thành thị, mặt hàng thịt lợn luôn chiếm “thị phần” lớn trong khu vực dành cho mặt hàng thực phẩm. Điều này cũng phản ánh thói quen tiêu dùng của người dân bởi lẽ: trong một tuần, người ta có thể ăn 3 bữa thịt lợn hoặc các sản phẩm chế biến từ lợn chứ không thể ăn 3 bữa thịt gà hay thịt ngan, thịt vịt.

Tại quầy thịt lợn ở chợ Đồng Tâm- Hà Nội, chị Trần Thanh Nga ở phố Đại La cho biết: “Hai thực phẩm không thể thiếu trong gia đình tôi là rau và thịt lợn. Thời gian này thịt lợn tăng cao lên 150.000 đến 170.000 đồng/kg. Thịt lợn là nhu cầu thiết yếu nên không thể thiếu trong bữa ăn được dù đắt nhưng tôi vẫn lựa chọn thịt lợn”.

Bữa ăn của người Việt liệu có thể thay thế dần thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác? Đây là suy nghĩ của chị Lê Thị Thu ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Tôi thấy hầu hết các bữa ăn đều có thịt lợn. Còn đối với thực phẩm khác như cá, gia đình tôi thỉnh thoảng mới mua, thường chỉ ăn được trong 1 ngày trong tuần chứ không thể ăn được nhiều. Mặc dù giá thịt lợn đắt hơn nhưng người mua vẫn không giảm, đa số người dân vẫn phải mua để chế biến trong bữa ăn. Gia đình tôi vẫn không chuyển sang các thực phẩm khác để thay thế vì thịt lợn rất dễ chế biến, dễ ăn”.

Là một đầu bếp lâu năm, anh Nguyễn Đại Thắng, bếp trưởng nhà hàng Âu Lạc – Hà Nội cho  biết: “Món thịt lợn từ xa xưa đến giờ người dân đã rất quen thuộc do chế biến được rất nhiều món. Món ăn này quá thân thuộc với người Việt Nam nên nếu bây giờ đột ngột thay đổi thực đơn trong gia đình thì rất khó. Gia đình tôi đến bây giờ trong một tuần vẫn ăn những thực phẩm thịt bò, cá, trứng… để thay đổi, nhưng thịt lợn thì không thể thiếu và không thể thay thế được”.

Tại thời điểm này, khi mà các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá, với những người nghèo, người nghỉ hưu, công nhân khu công nghiệp, có một vài lạng thịt trong mâm cơm đã là hạnh phúc, nói chi đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng. 

Tại cuộc họp của Cục chăn nuôi ngày 14/7, một đại diện của cơ quan này có lưu ý rằng, hiện nay nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân nước ta vẫn áp đảo với 75% trong tổng cơ cấu. Tỉ lệ này ở một số nước láng giềng chỉ khoảng 45 – 55%. Chính vì vậy, vị đại diện này có khuyên rằng, nên chăng chúng ta nhân dịp này mà điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng thịt theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng thịt gia cầm. Chăn nuôi gia cầm thuận lợi hơn rất nhiều bởi vòng quay sản phẩm nhanh, vốn ít, đảm bảo vệ sinh môi trường hơn”.

Chia sẻ với phóng viên VOV về quan điểm này, GS Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, khuyên thì cứ khuyên vậy thôi chứ thay đổi thói quen của người dân là cả một quá trình.

“Tính theo đầu người ăn, tiêu thụ thịt lợn ở nước ta vẫn còn ít hơn một số nước giàu có khác” – ông Nguyễn Đăng Vang cho biết.

Rõ ràng, thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn vào lúc này không thể coi là lời khuyên, huống chi là giải pháp. Điều mà người dân mong muốn là các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời để hạ giá thành thịt lợn trong thời gian sớm nhất. Người dân cũng mong muốn, ngành chăn nuôi nỗ lực thực hiện các giải pháp trước mắt như đã hứa, trong đó ưu tiên số một là đề nghị hỗ trợ lãi suất ưu đãi, kiểm soát việc phân phối thịt thương phẩm và khống chế tốt dịch bệnh. Ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nếu nói rằng, nguồn cung thịt vẫn thiếu so với nhu cầu là một lý do khó chấp nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên